Theo Reuters, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei.
Bắc Kinh còn điều tàu tuần tra tại khu vực tranh chấp với Manila và hồi tháng 5 triển khai trái phép giàn khoan nước sâu vào sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
IHS Jane’s cho rằng: Việc xây đảo nhân tạo tại Đá Chữ Thập là dự án thứ 4 thực hiện ở Trường Sa của Trung Quốc trong vòng 12 - 18 tháng qua, nhưng là dự án quy mô lớn nhất.
Động thái này được cho là để các nước láng giềng từ bỏ việc tuyên bố chủ quyền đối với khu vực đang tranh chấp này, đồng thời để tạo lợi thế cho Bắc Kinh trên bàn thương lượng.
Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc cùng các nước trong khu vực giải quyết tranh chấp thông qua các giải pháp hòa bình, không ép buộc nhau, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tiến tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử đa phương trên biển để xoa dịu căng thẳng.
Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn bác bỏ lời đề nghị Washington giải quyết tranh chấp đồng thời với tất cả các bên để ngăn chặn căng thẳng “leo thang”.
Trung Quốc theo đuổi giải pháp giải quyết tranh chấp trên biển theo xu hướng đàm phán với từng nước riêng lẻ, chứ không muốn đưa tranh chấp ra bàn đàm phán đa phương.