Trong những ngày gần đây, tin đồn lan truyền mạnh mẽ trong giới chuyên gia quân sự rằng Trung Quốc được cho là đã bất ngờ cung cấp cho Iran máy bay chiến đấu J-10C hiện đại, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa và các loại vũ khí công nghệ cao khác.
Tuy nhiên giới quan sát cho rằng điều này đã bị phóng đại quá mức và gợi nhớ đến các kịch bản từ trò chơi điện tử chiến lược thời gian thực, hơn là địa chính trị thực sự.
Trên thực tế, việc mua và chuyển giao các hệ thống vũ khí phức tạp, chẳng hạn như máy bay chiến đấu thế hệ 4++ hoặc hệ thống phòng không tầm xa, không phải là một quá trình nhanh như chớp.
Ngay cả khi có ý chí chính trị và hợp đồng, việc sản xuất thiết bị, giao hàng, đào tạo nhân sự, chuẩn bị cơ sở hạ tầng và triển khai chiến đấu mất nhiều tháng, và thường là nhiều năm.
Ngoại lệ duy nhất có thể là việc cung cấp các hệ thống di động hạng nhẹ, chẳng hạn như tên lửa vác vai (MANPADS), nhưng chúng không tương ứng với quy mô của những tin đồn đang được thảo luận.

Ngay cả với năng lực sản xuất khổng lồ, Trung Quốc cũng không thể ngay lập tức chuyển giao hàng chục máy bay chiến đấu J-10C hoặc hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 (được xem là bản sao S-400 của Nga) cho Iran.
Hơn nữa, việc loại bỏ các hệ thống này khỏi biên chế Quân đội Trung Quốc và chuyển giao cho một quốc gia khác mà không gây ra hậu quả cho năng lực chiến đấu của chính mình và không có sự đào tạo phù hợp cho kíp vận hành Iran là điều bất khả thi.
Tehran hoàn toàn có thể yêu cầu giao hàng nhanh hơn nếu các hợp đồng liên quan được ký kết từ lâu trước khi tình hình hiện tại ở Trung Đông trở nên tồi tệ. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có dữ liệu đáng tin cậy nào về sự tồn tại của một thỏa thuận như vậy giữa Tehran và Bắc Kinh.
Một mặt, chính quyền Iran từ lâu đã nhận thức được nhu cầu hiện đại hóa lực lượng không quân và phòng không, đặc biệt là trước áp lực và bất ổn ngày càng gia tăng trong khu vực.
Mặt khác, Iran vốn vẫn dựa vào ngành công nghiệp quốc phòng của riêng mình, phần lớn là do trong nhiều thập kỷ qua, nước này đã nhiều lần bị các nhà cung cấp nước ngoài từ chối thực hiện ngay cả những hợp đồng đã ký kết.
Đối tác thực sự ổn định duy nhất của Iran trong lĩnh vực công nghiệp quân sự luôn là Triều Tiên, nhưng năng lực hàng không và phòng không của nước này còn hạn chế.
Về phía Trung Quốc, vấn đề cung cấp vũ khí cho Tehran được xem xét trong bối cảnh ngoại giao toàn cầu và cân bằng lợi ích với Hoa Kỳ, Israel, Saudi Arabia và các bên liên quan khác.
Bắc Kinh có thể sử dụng chủ đề hợp tác quân sự với Iran như một công cụ gây áp lực hoặc mặc cả trong những cuộc đàm phán khác. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là việc cung cấp vũ khí sẽ được thực hiện tự động và nhanh chóng.
Hơn nữa, hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Iran và Trung Quốc theo truyền thống là khép kín. Thông thường, việc cung cấp vũ khí chỉ được biết đến sau khi Quân đội Iran đã sử dụng thiết bị.
Bất kỳ lời đồn đoán nào về việc Trung Quốc đột ngột cung cấp máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không cho Iran vẫn chỉ là suy đoán. Trong khi đó, giữa bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực, các nhà phân tích đang tập trung vào hành động thực tế của các bên, thay vì những tin đồn lan truyền trên mạng.