Động thái mới nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, trong bối cảnh một chính quyền mới theo “chủ nghĩa bảo hộ quốc gia” đang được chuyển giao tại Washington.
Trung Quốc đã sẵn sàng cho RCEP
Hiện tại, các nhà lãnh đạo châu Á đang đàm phán một hiệp định có sự tham gia của 16 quốc gia, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Quá trình này đang được Trung Quốc đẩy mạnh xúc tiến nhằm thay thế cho Hiệp định TPP do Mỹ dẫn đầu.
“Các nhà lãnh đạo hy vọng rằng, các cuộc đàm phán đang được thực hiện sẽ sớm đưa ra kết quả”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết vào hôm 22/11. RCEP bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký Hiệp định Thương mại tự do, gồm: Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Hiệp định tập trung vào việc dỡ bỏ hàng rào thương mại và thuế quan.
Tuyên bố của Bắc Kinh đưa ra một ngày sau khi Tổng thống mới đắc cử Donald Trump nói rằng Mỹ sẽ rút khỏi TPP khi ông nhậm chức. Trong quá trình tranh cử, ông Trump luôn chỉ trích những hiệp định thương mại tự do, ông cho biết TPP là một thảm họa và sẽ gây nên tình trạng thất nghiệp trên toàn nước Mỹ. “Đây là một cơ hội tốt để Trung Quốc trở thành một thế lực lớn hơn trên trường quốc tế, bắt đầu trong lĩnh vực, và sẽ có được tiếng nói lớn hơn”, Zou Zhengfang, Giáo sư kinh tế tại Đại học Nhân dân Trung Hoa cho biết.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, tại Peru cuối tuần qua, đề cập rằng Trung Quốc đang xây dựng một vị thế người dẫn dắt trong thương mại toàn cầu, và cam kết sẽ hỗ trợ tự do thương mại.
Đối với chính quyền của Tổng thống Obama, phần quan trọng nhất của TPP là tự do hóa thương mại dịch vụ và các quy định về những vấn đề như sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn môi trường và lao động, doanh nghiệp nhà nước và Internet. “Không giống như TPP, RCEP không đưa ra yêu cầu về tiêu chuẩn về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ và tự do hóa Internet”, Đại diện Thương mại Mỹ Mike Froman viết trên một bài xã luận hồi tháng trước.
Các nước tham gia TPP vẫn muốn giữ Hiệp định
Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều đồng ý rằng, TPP có tác động rất nhỏ đối với nền kinh tế Mỹ, trong khi nó rất có ý nghĩa đối với các nền kinh tế khác, từ Nhật Bản cho đến Việt Nam. TPP sẽ cắt giảm hoặc giảm khoảng 18.000 loại thuế đánh vào hàng hóa và dịch vụ, trong khu vực rộng lớn châu Á - Thái Bình Dương, với nền kinh tế chiếm 40% quy mô toàn cầu.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, một người ủng hộ TPP, hiện đang kêu gọi các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đang chuyển hướng ủng hộ RCEP, tiếp tục ký kết TPP, theo Bộ trưởng Thương mại Singapore.
Dưới góc độ kinh tế, RCEP sẽ làm xói mòn hoạt động kinh doanh của Mỹ tại Nhật Bản. Theo các chuyên gia kinh tế của Nhà Trắng, 35 ngành công nghiệp của nước Mỹ - hiện đang xuất khẩu 5,3 tỷ đô la giá trị hàng hóa sang Nhật mỗi năm - sẽ bị đánh bại bởi các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc nếu thỏa thuận RCEP được ký kết, thay vì TPP.
Nhật Bản vẫn giữ hy vọng TPP sẽ được hồi sinh dưới một hình thức khác, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm thay đổi suy nghĩ của ông Trump, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ.
Vào hôm thứ Ba, ông Abe nói “TPP sẽ là vô nghĩa nếu không có Hoa Kỳ” ngay sau lời tuyên bố của ông Trump rằng, ông sẽ từ bỏ TPP trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức.
Rút khỏi Hiệp định TPP là một phần trong nỗ lực lớn hơn của ông Trump nhằm thúc đẩy “chủ nghĩa bảo hộ quốc gia”. Ông chỉ trích Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ, bao gồm cả Canada và Mexico, trong giai đoạn tranh cử ông cũng cho biết sẽ đàm phán lại Hiệp định này nếu ông trúng cử.