Theo WSJ, kế hoạch của Trung Quốc nằm trong nỗ lực chung nhằm tránh chương trình giám sát của Mỹ và các nước phương Tây. Quốc gia đông dân nhất thế giới đồng thời mong muốn phát triển các sản phẩm "cây nhà lá vườn" thay cho những thiết bị nhập khẩu.
Phần lớn smartphone ở Trung Quốc chạy hệ điều hành của Google và Apple, hai công ty công nghệ hàng đầu tại Mỹ. Tin tặc thường xuyên tấn công vào nền tảng này và chính phủ Trung Quốc lo ngại rằng hai công ty công nghệ trên đang chịu sự kiểm soát của các cơ quan tình báo Mỹ.
Đáp lại, Bắc Kinh và các công ty công nghệ tại đây đang chung tay nỗ lực xây dựng smartphone của riêng mình, đảm bảo an ninh cho các quan chức chính phủ.
Thiết bị này có sự hợp tác của ZTE trong việc sản xuất, Spreadtrum Communications đóng vai trò thiết kế vi mạch và công ty thương mại khổng lồ Alibaba.
Mục tiêu mà Trung Quốc đặt ra là tạo những mẫu smartphone cho chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước thoát khỏi vùng kiểm soát của gián điệp mạng nước ngoài. Sản phẩm dùng hệ điều hành riêng, có liên kết với Bộ Công an Trung Quốc. Tuy nhiên nó sẽ khó thu hút người dùng bình thường vì không có camera, không định vị GPS, lược bỏ kết nối không dây Wi-Fi và Bluetooth nhằm đảm bảo an toàn.
Dòng điện thoại bảo mật của riêng Trung Quốc sẽ không tác động nhiều đến thị trường. Theo IDC ước tính, những sản phẩm này có thể chiếm 3% doanh số bán smartphone tại Trung Quốc trong năm tới. Tuy nhiên, biến thể của những điện thoại này hướng đến người dùng phổ thông có tiềm năng thách thức Google và Qualcomm.
Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động an ninh nhằm bảo mật dữ liệu của mình sau khi Edward Snowden tiết lộ một số chương trình do thám bí mật của Mỹ. Ngược lại, các chuyên gia công nghệ và chính phủ Mỹ đã cáo buộc Bắc Kinh mở những chiến dịch gián điệp kỹ thuật số nhắm vào cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ.