Trung quốc cấm thực hiện các dự án xây dựng tại thủ đô

GD&TĐ - Trung Quốc sẽ ngăn chặn hầu như tất cả các dự án xây dựng lớn tại Bắc Kinh nhằm đối phó với khủng hoảng ô nhiễm không khí trong thành phố vốn được xem là nguyên nhân của hàng ngàn vụ tử vong sớm hàng năm.  

Người dân đeo mặt nạ khí đi làm tại Bắc Kinh
Người dân đeo mặt nạ khí đi làm tại Bắc Kinh

Lệnh cấm sẽ có hiệu lực tại 6 quận của Bắc Kinh và khu vực ngoại thành kể từ ngày 15/11 và kéo dài 4 tháng. Đây là thời kỳ chính quyền địa phương cung cấp nhiệt lượng sưởi ấm cho các hộ gia đình trong thành phố.

Ủy ban xây dựng và nhà ở của thành phố cam kết sẽ phạt nặng cho bất kỳ vi phạm nào.

Một số dự án như đường sắt, sân bay, nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ được tiếp tục xây dựng nếu được ủy ban xây dựng cấp phép đặc biệt.

Trung Quốc đang ở năm thứ 4 của “cuộc chiến chống lại ô nhiễm” khi nước này đang tìm cách giảm khói bụi vốn thường xuyên đạt mức nguy hiểm ở nhiều nơi và đối phó với nước và đất ô nhiễm nặng.

Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã cố gắng cân bằng giữa bảo vệ môi trường và duy trì phát triển kinh tế và đã tìm cách cải cách các ngành công nghiệp đói năng lượng và gây nhiều ô nhiễm.

Các nhà máy xi măng và đúc kim loại ở Bắc Kinh và một số nơi khác ở Trung Quốc đã được lệnh dừng sản xuất trong mùa đông, trong khi đó các nhà máy thép ở khu vực tỉnh Hebei sẽ bị buộc phải cắt một nửa sản lượng của mình.

Trong tháng 12 năm ngoái, hàng triệu người dân tại 24 thành phố trên khắp vùng đông bắc Trung Quốc được khuyên không nên ra khỏi nhà vì khói bụi xám, dày đặc nhấn chìm cả khu vực. Báo động đỏ đã được đưa ra  khiến cho các trường học phải đóng cửa, giao thông bị giới hạn và các chuyến bay bị hủy bỏ.

Mặc dù có những nỗ lực cắt giảm ô nhiễm, chất lượng không khí ở Trung Quốc vẫn tồi tệ hơn trong nửa đầu của năm 2017. Khoảng 338 thành phố, bao gồm Bắc Kinh đã báo cáo có ít ngày không khí sạch hơn so với năm ngoái và chính phủ cho rằng nguyên nhân là do nhu cầu sưởi ấm của người dân phụ thuộc vào các nhà máy điện đốt than.

Theo The Independent

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ