Yên bình xứ dừa lớn nhất Việt Nam

GD&TĐ - Hình thành từ cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa, Bến Tre (cũ) nay là Vĩnh Long được mệnh danh xứ sở dừa lớn nhất cả nước.

Một góc cảnh xứ dừa.
Một góc cảnh xứ dừa.

Miền dừa lặng lẽ mà vững vàng

Được hình thành từ ba cù lao lớn: Cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa, nơi đây từ lâu được mệnh danh là “xứ sở dừa” với diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước.

Mỗi sáng, ghe xuồng tấp nập rẽ sóng sông Thom đưa dừa ra chợ. Trưa đến, nắng phủ vàng, bóng dừa đổ nghiêng trên mặt nước, trẻ em ríu rít nô đùa, tạo nên bức tranh đời thường sinh động giữa miền sông nước.

bt8-4233.jpg
Bến Tre (cũ) nay là Vĩnh Long có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước. Ảnh: Vũ Khoa.
bt7-2739.jpg
Cây dừa được xem là biểu tượng đặc trưng của người dân nơi đây. Ảnh: Vũ Khoa.

Người dân miền Tây nụ cười luôn nở sẵn trên môi, hiếu khách không ai bằng. Nhịp sống lặng lẽ nhưng vững vàng. Khung cảnh nhìn từ trên cao, hàng trăm hecta dừa phủ xanh cả một vùng, đó là hình ảnh khó tìm thấy ở nơi nào khác.

bt11-1873.jpg
Ngoài cây dừa, kinh tế của người dân nơi đây đa phần phụ thuộc vào nông nghiệp. Ảnh: Vũ Khoa.
bt10-1567.jpg
Cuộc sống tuy vất vả, nhưng không kém niềm vui. Ảnh: Vũ Khoa.

Bóng dừa, lưng trần và giấc mơ cơm áo

Với người dân nơi đây, từ đời ông bà đến lớp con cháu hôm nay, cuộc sống gắn bó bền chặt với những hàng dừa xanh mướt. Dừa không chỉ là cây trồng, mà là kế sinh nhai, là bóng mát đời người và là linh hồn của xứ sở.

Mỗi sớm tinh mơ, khi trời còn mờ sương, tiếng máy ghe rộn ràng trên khúc sông nhỏ, chở theo từng thúng dừa căng mọng về điểm tập kết. Dưới ánh ban mai còn nhạt màu, những người đàn ông rám nắng, lực lưỡng, nhịp nhàng khuân vác dừa lên vai, từng bước chắc nịch trên cầu ván, chuyển dừa vào xưởng.

bt9-8732.jpg
Ghe tập kết dừa trước khi chở ra chợ để bán. Ảnh: Vũ Khoa

Tại đó, trái dừa được phân loại, tách vỏ, tách cơm, mỗi công đoạn là một phần chuỗi giá trị lâu đời đã ăn sâu vào đời sống người dân. Vỏ dừa sau khi tách tiếp tục được đem về xưởng khác, nơi người ta dùng tay nghề khéo léo xử lý thành xơ, làm sạch, phơi khô để đan thảm, dệt chiếu, se dây buộc hay vót lá làm đồ thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu. Từ trái dừa tưởng chừng đơn sơ, người dân đã tạo ra biết bao sản phẩm mang đậm hồn cốt miền quê.

bt3-9463.jpg
Tách vỏ dừa, phân loại dừa trước khi chuyển xuống ghe. Ảnh: Vũ Khoa.
bt2-5513.jpg
Vỏ dừa sau khi tách tiếp tục được đem về xưởng khác, nơi người ta dùng tay nghề khéo léo xử lý thành xơ, làm sạch, phơi khô để đan thảm, dệt chiếu, se dây buộc hay vót lá làm đồ thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Vũ Khoa.
bt1-1366.jpg
Mỗi công đoạn đều cần nhân công, từ đó tạo được thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân nơi đây. Ảnh: Vũ Khoa.
bt12-3632.jpg
Dây sợi hoàn thiện được làm từ xơ của vỏ dừa. Ảnh: Vũ Khoa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ