Vượt nghịch cảnh, nữ sinh ở Đắk Lắk chinh phục hai điểm 10

GD&TĐ - Dẫu đôi mắt không nhìn rõ nhưng Nguyễn Thị Thanh Huyền ở Đắk Lắk vẫn xuất sắc giành hai điểm 10 tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Nguyễn Thị Thanh Huyền – Trường THPT Lê Hữu Trác (Đắk Lắk) xuất sắc đạt 2 điểm 10 và 1 điểm 8. (Ảnh: TT)
Nguyễn Thị Thanh Huyền – Trường THPT Lê Hữu Trác (Đắk Lắk) xuất sắc đạt 2 điểm 10 và 1 điểm 8. (Ảnh: TT)

Học bằng trái tim

Nguyễn Thị Thanh Huyền – học sinh lớp 12A7, Trường THPT Lê Hữu Trác (xã Quảng Phú, huyện Cư M’gar cũ) – là một trong những thí sinh đạt điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất của nhà trường trong Kỳ thi năm 2025.

Em đạt 28 điểm khối C00: 10 điểm Lịch sử, 10 điểm Địa lí và 8 điểm Ngữ văn. Điều đặc biệt khiến nhiều người cảm phục hơn cả là: Em có thị lực 1/10 do bị rung giật nhãn cầu bẩm sinh.

img-7798.jpg
Gia đình Nguyễn Thị Thanh Huyền – học sinh lớp 12A7, Trường THPT Lê Hữu Trác đón tin vui khi em đạt thành tích xuất sắc tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. (Ảnh: TT)

Dù thị lực kém nhưng Huyền chưa từng coi đó là lý do để lùi bước. Em chia sẻ bí quyết học tập là chuẩn bị bài kỹ ở nhà, nắm vững nội dung trong sách giáo khoa, sau đó lên lớp chăm chú nghe thầy cô giảng và hiểu bài ngay tại lớp.

“Mỗi giai đoạn học tập, em đều đặt mục tiêu riêng. Do hoàn cảnh khác các bạn, nên mỗi ngày em cố gắng một ít. Em thường ghi ra vở những điều cần học cho ngày hôm sau, học kỹ phần cơ bản từ sách giáo khoa trước rồi mới mở rộng nâng cao. Như môn Ngữ văn, em rèn từng bước làm bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Với Lịch sử và Địa lí, em học bằng cách ghi nhớ mốc thời gian, dữ liệu địa danh, hiểu sâu ý nghĩa của các sự kiện chứ không chỉ học thuộc lòng”, Huyền chia sẻ.

z6810027333780-b248901422d6e2a0b9a2f3e26afebfbb.jpg
Nguyễn Thị Thanh Huyền nhận học bổng từ Trường Đại học Đông Á trong năm học cuối cấp THPT. (Ảnh: TT)

Không dựa vào các thiết bị hỗ trợ, Huyền học bằng sự tập trung cao độ và kỷ luật bản thân. Khi làm bài thi, em ghi nhớ các mốc thời gian, từ khóa quan trọng và đặc biệt cẩn trọng trong từng bước. “Em luôn kiểm tra kỹ bài sau khi làm xong, không để sai sót vì những lỗi nhỏ nhặt”, Huyền nói.

Kiên cường vượt nghịch cảnh

Sinh sống tại thôn Hiệp Hưng, xã Ea M’Droh, tỉnh Đắk Lắk, bố mẹ Huyền - anh Nguyễn Tưởng (SN 1973) và chị Hồ Thị Trang Hồng (SN 1972) đều làm nông và buôn bán nhỏ ở chợ quê. Khi biết con gái bị bệnh về mắt, hai vợ chồng đã chạy chữa khắp nơi, nhưng bệnh bẩm sinh nên không thể chữa khỏi. Cả nhà chỉ biết động viên con vượt qua mặc cảm, tiếp tục học tập.

img-7825.jpg
Vượt qua khó khăn, Nguyễn Thị Thanh Huyền từng bước chinh phục tri thức và nuôi ước mơ trở thành cô giáo. (Ảnh: TT)

Lên THPT, nhà cách trường gần 20km, Huyền phải thuê trọ, tự lo liệu mọi sinh hoạt. “Cũng có lúc con mệt, mắt đau quá, phải nghỉ học để đi khám. Nhưng về nhà là lại học tiếp. Có lần tôi hỏi sao học khuya vậy, nó chỉ cười và nói: ‘Mình làm được. Mình phải làm được’…”, chị Hồng rưng rưng kể.

Học cùng lớp với Huyền, Trần Phạm Mai Hương, Bí thư Chi đoàn 12A7 chia sẻ: “Huyền ngồi bàn đầu, đôi mắt yếu nhưng ánh nhìn luôn kiên định. Có hôm trời mưa lạnh, Huyền đau mắt, nhưng vẫn cặm cụi học. Bạn luôn truyền năng lượng tích cực cho cả lớp".

Không chỉ học giỏi, Huyền còn sống chan hòa, khiêm tốn, luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn bè. Với thầy Phan Văn Thương, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A7, Huyền có “tinh thần học tập phi thường”.

“Nếu nghị lực có hình hài, thì đó chính là Huyền. Em học bằng trái tim, ý chí. Em học để thay đổi số phận. Thành tích của em là tuyên ngôn cho tinh thần không gục ngã, là ngọn đuốc thắp sáng cho những ai đang chênh vênh trước hoàn cảnh”, thầy Thương nhấn mạnh.

Hành trình "mang lửa" trở về với quê hương

Trong suốt 3 năm học THPT, Huyền liên tục đạt học sinh giỏi toàn diện, đoạt 2 huy chương Vàng kỳ thi Olympic truyền thống 10/3, 1 huy chương Bạc Olympic 30/4, 2 giải Nhì cấp tỉnh. Thầy cô chính là nguồn động viên to lớn, đặc biệt là cô giáo Nguyễn Thị Khuyên – người đã truyền lửa tình yêu Địa lí và truyền cảm hứng sống tích cực cho em.

“Chính sự tận tâm, gần gũi của cô Khuyên và tập thể thầy cô Trường THPT Lê Hữu Trác đã giúp em vượt qua mặc cảm, tự tin hơn để học tập, thi cử và sống chan hòa”, Huyền xúc động chia sẻ.

gv.jpg
Thầy cô Trường THPT Lê Hữu Trác đã đồng hành, sẻ chia để Nguyễn Thị Thanh Huyền vượt qua nghịch cảnh, đạt thành tích xuất sắc trong học tập. (Ảnh: TT)

Khi được hỏi về dự định tương lai, Huyền không ngần ngại: “Em dự định đăng ký xét tuyển vào ngành Sư phạm Địa lí. Em muốn trở thành cô giáo để truyền cảm hứng học tập, đặc biệt cho các em nhỏ ở vùng khó, giống như em từng nhận được tình yêu thương từ thầy cô”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ