Trong nghiên cứu đầu tiên về loại hình này, các nhà khoa học Ấn Độ và Mỹ tính toán xem làm thế nào mà các hạt nhân tạo trôi nổi trong không khí có thể lắng đọng trên pin mặt trời làm giảm mạnh khả năng chuyển đổi năng lượng. Điều này ảnh hưởng nặng nề tới việc phát điện. Với mức độ ô nhiễm hiện tại ở Ấn Độ thì năng lượng bị thất thoát tương đương khoảng 3.900 Megawatt, gấp 6 lần mức tải của trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất của họ, với cánh đồng pin mặt trời khổng lồ gồm hơn 2,5 triệu pin.
Giáo sư Chinmay Ghoroi tại Viện Công nghệ Ấn Độ ở Gandhinagar cho biết: “Chỉ cần một tính toán nhỏ cũng có thể thấy chúng ta sẽ bị lỗ đi rất nhiều năng lượng”. Những thiệt hại này còn mang tính trầm trọng hơn tới tham vọng năng lượng mặt trời khổng lồ của đất nước Ấn Độ.
Ấn Độ là đất nước gây ô nhiễm đứng thứ 3 trên thế giới, đang chi trả ngân sách vào năng lượng mặt trời để làm điện gia đình cho hàng trăm triệu người nghèo trong nước mà không cần phải tăng lượng khí carbon thải ra môi trường. Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Paris 2015, Ấn Độ đã cam kết cắt giảm việc thải khí độc hại vào môi trường trong tương lai và cung cấp 40% năng lượng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030 - một mục tiêu mà họ có thể vượt qua.
Các tấm pin mới đang được lắp đặt với tốc độ chóng mặt, tiên đoán sẽ gấp đôi sản lượng của Ấn Độ trong năm nay và vượt qua Nhật Bản trở thành nước đứng thứ 3 trong thị trường năng lượng mặt trời.
GS Mike Bergin, Đại học Duke tại Bắc Carolina cho biết: “Sự tăng trưởng ngoạn mục này đi cùng nguy cơ lỗ khủng khiếp do ô nhiễm không khí. Chúng ta đang nói tới hàng tỉ đô la được đầu tư cho việc này”.
Bụi từ lâu đã là mối đe dọa tới các dự án năng lượng mặt trời ở các bang sa mạc như Rajasthan và Gujarat, nơi các robot gạt nước được triển khai để giữ sạch các tấm pin sau các trận bão cát. Tuy nhiên, nghiên cứu mới khẳng định lại những gì mà các nhà lắp đặt năng lượng đã nghi ngờ từ lâu: Các cột khói bụi thải ra bởi xe cộ, cháy rừng, đốt rác và các ống khói thải công nghiệp còn gây ảnh hưởng nặng hơn so với cát bụi tự nhiên.
Tuy nhiên, bầu không khí ô nhiễm che phủ mặt trời còn đem tới những tác động trầm trọng khác: Những người chết yểu do ô nhiễm đã tăng đều đặn tại Ấn độ lên tới cột mốc 1,1 triệu người vào năm 2015. Điều này thôi thúc những người đạt được thành công từ năng lượng mặt trời tại Ấn Độ nên khuyến khích các nhà hoạch định chính sách tăng gấp đôi nỗ lực để làm sạch bầu trời.