(GD&TĐ) – Hàng triệu trẻ em Trung Quốc vẫn bị nhiễm độc chì mặc dù đã có một cuộc tấn công vào vấn nạn này. Một cách có hệ thống, các quan chức địa phương dường như từ chối quyền khám bệnh của nạn nhân nhằm che đậy vấn đề này – một nhóm vì quyền con người cho biết.
Một em nhỏ Trung Quốc bị nhiễm độc chì |
Nhóm theo dõi Nhân quyền có trụ sở ở New York (Mỹ) hôm nay (15.6) cho biết các nhà chức trách thường tước quyền khám bệnh, điều trị và ngăn chặn bệnh của các nạn nhân. Theo nhóm này, chính phủ đã không thể buộc các nhà máy gây ô nhiễm phải đóng cửa và làm sạch những gì họ gây ra mặc dù đã có nỗ lực chống lại sự nhiễm độc kim loại nặng.
“Những trẻ em có mức chì cao một cách nguy hiểm trong máu đang bị khước từ không được điều trị và đã trở về những ngôi nhà bị nhiễm độc ở những làng quê ô nhiễm” – Joe Amon của nhóm Nhân quyền cho biết.
Các quan chức ở các Bộ Y tế, An toàn lao động và Bảo vệ môi trường của Trung Quốc đã từ chối bình luận về những cáo buộc này.
Trung Quốc đã tung ra một chiến dịch chống lại nạn nhiễm độc kim loại nặng (như chì). Hàng trăm nhà máy pin đã bị đóng cửa ở tỉnh Chiết Giang sau khi một một số trường hợp nhiễm độc nặng được giới truyền thông nước này phát hiện.
Trong trường hợp gần đây nhất, hơn 600 người, bao gồm 103 trẻ em, đã được thông báo là bị ốm do các xưởng xử lý lá thiếc ở thị trấn Yangxuqiao, Chiết Giang gây ra. Tất cả trẻ em và 26 người lớn đã bị nhiễm độc chì nặng – hãng tin Tân Hoa Xã cho biết.
Trong các cuộc phỏng vấn chi tiết tại các làng bị nhiễm độc thuộc 4 tỉnh Hồ Nam, Hà Nam, Vân Nam và Sơn Tây, các nhà nghiên cứu thấy rằng các nhà chức trách đã im lặng một cách có hệ thống đối với những người tìm kiếm sự giúp đỡ hay muốn nói ra sự thật – ông Amon nói trong một cuộc phỏng vấn.
Bản báo cáo cho biết một số phụ huynh và họ hàng của những em nhỏ bị bệnh nói rằng họ bị ngăn cản không được kiểm tra, bị từ chối những kết quả kiểm tra hoặc được đưa cho những thông tin méo mó.
Phương Hà (Theo AP)