Được biết camera này có khả năng chụp ảnh các vật thể trên Trái Đất với độ chính xác đáng kinh ngạc ngay từ quỹ đạo. Một bước đột phá của các nhà nghiên cứu tại Viện Thông tin Hàng không Vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã mở ra chân trời mới trong lĩnh vực giám sát của Bắc Kinh.
Thiết bị này không chỉ có thể phát hiện khuôn mặt của mọi người từ quỹ đạo Trái Đất thấp mà còn theo dõi các vệ tinh quân sự nước ngoài với mức độ chi tiết mà trước đây giới truyền thông cho là không thể.
Tờ báo South China Morning Post sau khi cung cấp thông tin đã nhấn mạnh rằng công nghệ này dựa trên tia laser mạnh mẽ, đã lập kỷ lục thế giới về hình ảnh quang học.
Sự phát triển của các nhà nghiên cứu Trung Quốc giúp đạt được độ phân giải ở mức độ milimét từ khoảng cách hơn 100 km. Khi được tích hợp vào hệ thống vệ tinh, camera có khả năng xuyên qua nhiễu loạn khí quyển, cung cấp hình ảnh đủ rõ nét để nhận dạng khuôn mặt hoặc các bộ phận nhỏ của thiết bị quân sự.
Các nhà khoa học khẳng định công nghệ của họ vượt trội so với tất cả các hệ thống hiện có, bao gồm cả thiết bị giám sát của Mỹ, đưa Trung Quốc lên vị trí hàng đầu về tình báo vũ trụ và khiến mọi đối thủ địa chính trị lo ngại.
Thiết bị mới này hứa hẹn không chỉ là một công cụ do thám mà còn là tài sản chiến lược của Bắc Kinh. Khả năng do thám cơ sở quân sự những quốc gia khác với độ chính xác như vậy củng cố vị thế của Trung Quốc trong cuộc chạy đua không gian, nơi sự cạnh tranh giành quyền kiểm soát quỹ đạo đang ngày càng trở nên gay gắt.
Bước đột phá này nhấn mạnh tham vọng của Trung Quốc không chỉ bắt kịp mà còn vượt qua Hoa Kỳ và nhiều cường quốc khác về phát triển công nghệ và quân sự, điều này dự báo sẽ thay đổi cán cân quyền lực trong an ninh toàn cầu.

Theo ghi nhận, camera này sử dụng hệ thống laser đồng bộ tiên tiến, khắc phục được những hạn chế của quang học truyền thống. Theo nhà phát triển, công nghệ này đã đạt được độ phân giải 2 mm ở độ cao 500 km, cao hơn hàng chục lần so với khả năng của các vệ tinh Mỹ như KH-11, có độ phân giải ước tính là 10 - 15 cm.
Nhiều chuyên gia hàng đầu hiện nay cho rằng hệ thống này đã được thử nghiệm trên quỹ đạo, mặc dù vẫn chưa có xác nhận chính thức từ Bắc Kinh.
Thành công nói trên trở thành một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm thống trị không gian. Vào năm 2024, quốc gia này đã phóng kỷ lục 67 vệ tinh, bao gồm cả loạt vệ tinh Yaogan được sử dụng để thu thập thông tin tình báo.
Các bài đăng trên mạng xã hội X từ các nhà phân tích quân sự vào tháng 2 năm 2025 đã liên kết camera mới với các phương tiện này, lưu ý rằng nó có thể được lắp đặt trên những vệ tinh thế hệ tiếp theo được nâng cấp.