Dự hội thảo có ông Tạ Ngọc Đôn – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GD&ĐT; Ông Trịnh Việt Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; GS.TS Phạm Hồng Quang – Giám đốc Đại học Thái Nguyên; Giáo sư, giảng viên của các trường ĐH thành viên ĐH Thái Nguyên, trường ĐH từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có liên kết đào tạo, nghiên cứu, trao đổi chương trình, giảng viên với ĐH Thái Nguyên cùng các chuyên gia kinh tế, tuyển dụng của các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đang đầu tư tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Tạ Ngọc Đôn đã đánh giá cao ĐH Thái Nguyên tổ chức hội thảo lần này, cho thấy sự đánh giá tầm ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đến quá trình đào tạo, nghiên cứu của Đại học.
Thông qua hội thảo, các đại biểu được mạn đàm, trao đổi về việc làm thế nào để đổi mới chương trình đào tạo với sự hiện diện của Công nghệ 4.0; Việc sử dụng công nghệ 4.0 như thế nào để trở thành một phương tiện nhanh và hiệu quả nhằm thực hiện quá trình đổi mới, sáng tạo và nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH của Thái Nguyên và vùng Trung du, miền núi phía Bắc.
Ông Tạ Ngọc Đôn phát biểu tại hội thảo. Ảnh Việt Hà |
Bộ GD&ĐT đang triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học; Tới đây sẽ có nhiều Nghị định, thông tư hướng dẫn và các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học, về KHCN trong các cơ sở giáo dục đại học được ban hành.
Đây chính là cơ hội tốt để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hệ thống giáo dục đại học, xây dựng và phát triển các mô hình, các nhóm nghiên cứu mạnh gắn với các chương trình nghiên cứu lớn để đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, tập trung khu vực; Nhằm từng bước hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, hướng đến xây dựng thành công các đại học nghiên cứu, đại học thông minh, góp phần nâng hạng đại học Việt Nam trong khu vực.
Ông Tạ Ngọc Đôn cho rằng: Trong bối cảnh này, ĐH Thái Nguyên cần xác định rõ thế mạnh nội tại của mình, phối hợp hài hòa với lợi thế về vị trí địa lý, bám sát mục tiêu và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh trong vùng để lựa chọn hướng phát triển trọng tâm, trọng điểm;
Tranh thủ các mối quan hệ quốc tế, mở rộng hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tạo ra nhiều tri thức mới được chuyển giao vào thực tiễn phục vụ xã hội và cộng đồng.
GS.TS Phạm Hồng Quang tham luận tại hội thảo. Ảnh: Việt Hà |
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Tuấn – Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Thái Nguyên - tham luận tại hội thảo thì mục tiêu trọng tâm của phát triển CTĐT là hình thành năng lực (SV là trung tâm). CTĐT được thiết kế theo dạng mô đun, giảng viên thiết kế đa dạng các hoạt động, không đóng khung trong nhà trường mà còn mở rộng trong phạm vi gia đình, xã hội, doanh nghiệp;
Chương trình cần phải tiếp cận với cuộc sống đa dạng, phong phú với nhiều hoạt động tích hợp; Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực vừa có kiến thức chuyên môn tốt vừa có năng lực tiếng Anh tốt và kỹ năng làm việc; Để đáp ứng nhu cầu đó ĐH Thái Nguyên và các trường đại học thành viên đã và đang phát triển những CTĐT chính qui bằng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.
Hội thảo lần này đã quy tụ được trí tuệ của nhiều Giáo sư, nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia kinh tế, nhà tuyển dụng của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước thông qua các báo cáo khoa học gửi đến hội thảo.
Đã có 38 báo cáo được chọn in kỷ yếu hội thảo. Trong đó, nhiều báo cáo khoa học có hàm lượng chất xám, được nghiên cứu công phu, có chiều sâu về đổi mới phát triển CTĐT đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong tình hình hiện nay.
Trong khuôn khổ hội thảo, ĐH Thái Nguyên đã trao bằng Tiến sĩ danh dự cho TS. Nestor Manaog De Vera - Giám đốc ĐH Tổng hợp Laguna, Cộng hòa Philippines; Ông là người đã kết nối và triển khai thực hiện các chương trình hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa ĐH Thái Nguyên và ĐH Tổng hợp Laguna, Cộng hòa Philippines từ năm 2007 đến nay, các chương trình hợp tác đào tạo giữa hai nhà trường đã và đang đạt được những kết quả tốt đẹp.