Tại buổi lễ, GS.TS Phạm Hồng Quang - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Thái Nguyên - đã nêu bật những thành tựu trong 25 năm xây dựng và phát triển. Phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị ĐH Thái Nguyên tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu để phát huy vai trò của ĐH trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, trong đó tập trung phấn đấu đào tạo ra con người mới phát triển toàn diện, có sức khỏe, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước…
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giao những nhiệm vụ cụ thể cho ĐH Thái Nguyên thời gian tới, trong đó tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ.
Xây dựng chiến lược phát triển ĐH Thái Nguyên với những mục tiêu, giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn. Phát triển ĐH theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ trực tiếp và trước hết cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên nói riêng, các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc nói chung; kiện toàn, đổi mới mô hình ĐH hai cấp theo tinh thần tự chủ với mục tiêu cộng lực để cạnh tranh và phát triển.
Đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao năng lực, đổi mới quản trị ĐH; kiện toàn và đảm bảo các điều kiện để Hội đồng ĐH thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định; đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng tinh gọn, hiệu quả; chú trọng thực hiện bồi dưỡng kiến thức quản trị cho lãnh đạo các đơn vị thành viên, các phòng, ban, khoa của ĐH.
|
Rà soát, quy hoạch lại các ngành đào tạo trên cơ sở nghiên cứu, dự báo nhu cầu sử dụng lao động trong nước và quốc tế. Xác định rõ những ngành truyền thống có thế mạnh để đầu tư theo hướng chất lượng cao, đặc biệt là công nghệ, nông lâm và y dược. Đối với những ngành không còn phù hợp với nhu cầu nhân lực thì cần có lộ trình dừng đào tạo.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội - đã gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của ĐH Thái Nguyên.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu với đào tạo, qua đó nâng cao chất lượng. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ theo yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng, phục vụ sinh kế của người dân và yêu cầu đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp trên địa bàn, trước hết là trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên - nơi đang ngày càng có nhiều khu công nghiệp, nhà máy lớn. Tập trung hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu trên cơ sở thế mạnh của các trường và nhu cầu phát triển của vùng.
Phát huy tiềm năng của đội ngũ giảng viên, nhà khoa học của các trường thành viên; có chính sách, chế độ đãi ngộ thực sự tạo động lực đối với các nhà khoa học và giảng viên để các thầy cô đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của ĐH. ĐH Thái Nguyên có thể nghiên cứu, đề xuất thực hiện cơ chế thí điểm thu hút các giảng viên, nhà khoa học trình độ cao trong và ngoài nước đến làm việc tại các trường ĐH thành viên.
Quan tâm hơn nữa tới công tác kiểm định và xếp hạng ĐH. Hiện nay ĐH Thái Nguyên là ĐH duy nhất trong các ĐH vùng và ĐH quốc gia chưa có tên trong các bảng xếp hạng cao của khu vực và thế giới. Vì vậy, ĐH Thái Nguyên và các trường thành viên cần xác định mục tiêu kiểm định và xếp hạng quốc tế vào trong các mục tiêu phát triển ĐH để đầu tư nguồn lực và có kế hoạch thực hiện cụ thể.