Đại học Thái Nguyên - 25 năm khẳng định uy tín và vị thế của đại học vùng

GD&TĐ - Được thành lập năm 1994, đến nay Đại học Thái Nguyên đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc thành lập các đại học vùng, đồng thời khẳng định uy tín, vị thế trong phát triển giáo dục đại học nước nhà.

GS.TS Phạm Hồng Quang đang giới thiệu các đồ dùng dạy học STEM của trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc.
GS.TS Phạm Hồng Quang đang giới thiệu các đồ dùng dạy học STEM của trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc.

Thực hiện Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Đại học Thái Nguyên từng bước đổi mới, hội nhập quốc tế hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du miền núi Bắc bộ đến năm 2020.

Trung tâm giáo dục đại học lớn của cả nước

Là trung tâm lớn thứ ba của đất nước về giáo dục đại học, với bảy trường ĐH, một phân hiệu, một trường CĐ và hai khoa trực thuộc, đến nay Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã đào tạo hơn 500 nghìn sinh viên hệ ĐH và hơn 15 nghìn học viên cao học và nghiên cứu sinh.

Các cán bộ do ĐHTN đào tạo đã phát huy tốt kiến thức chuyên môn, năng lực thực tiễn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế- xã hội vùng Trung du miền núi Bắc bộ và cả nước. Nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp Trung ương, cán bộ chủ chốt của nhiều địa phương, doanh nghiệp.

GS.TS Phạm Hồng Quang Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Đại học Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hà
GS.TS Phạm Hồng Quang  Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Đại học Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hà

Hiện nay toàn Đại học đào tạo 285 ngành, chuyên ngành, trong đó có32 ngành trình độ tiến sĩ, 59 chuyên ngành thạc sĩ, 24 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa cấp I, II và bác sĩ nội trú; 9 ngành đào tạo chương trình tiên tiến; 4 chương trình đào tạo chất lượng cao.Quy mô đào tạo năm 2018 là hơn 62 nghìn người, trong đó đào tạo sau đại học là gần 4.700 người,(chiếm gần 10%);

Đặc biệt là có gần 700 lưu học sinh nước ngoài đang theo học.Sự gia tăng các ngành nghề đào tạo, quy mô tuyển sinh, quy mô đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học đã phản ánh sự phát triển và từng bước khẳng định uy tín, chất lượng đào tạo của ĐHTN.

Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế được chú trọng

Bên cạnh chú trọng hoạt động đào tạo, ĐHTN còn thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao rộng rãikhoa học, kỹ thuật và công nghệ cho xã hội. Chỉ tính riêng giai đoạn từ 2014- 2018, ĐHTN đã thực hiện hơn 5.260 đề tài nghiên cứu, trong đó có 38 đề tài, nhiệm vụ, chương trình, dự án cấp Nhà nước; 15 chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu hợp tác quốc tế; 2 nhiệm vụ khoa học nghiên cứu theo đơn đặt hàng của Trung ương phục vụ Đại hội XII của Đảng;

714 đề tài, nhiệm vụ KHCN cấp bộ, tỉnh và đại học; công bố 9.576 bài báo khoa học, trong đó có 1.720 bài công bố trên các tạp chí quốc tế, đặc biệt có 488 bài báo công bố trong danh mục ISI, Scopus; 14 sản phẩm khoa học- công nghệ được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ; 

Các giáo sinh của Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hà
 Các giáo sinh của Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hà

Bảy sản phẩm, quy trình công nghệ được thương mại hóa, ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất và đời sống; 2 chương trình chuyển giao công nghệ được tặng giải thưởng “Bông lúa vàng”; huy động trên 82,5 tỷ đồng ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ.

Nhiều công trình NCKH của sinh viên và giảng viên ĐHTN đã đạt các giải thưởng cấp nhà nước, bộ, ngành như Giải thưởng Kovalevskaia; giải thưởng Elsevier Foundation của Viện Hàn Lâm Khoa Học và Nghệ thuật Hoa Kỳ năm 2015 lĩnh vực Toán học.

Giải Nhất Khoa học và Công nghệ toàn quốc dành cho giảng viên trẻ năm 2018; giải Nhất “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018 của nhóm các giảng viên trẻ Phân hiệu ĐHTN tại Lào Cai; tham gia mạng lưới “Đổi mới sáng tạo Việt Nam” do Chính phủ phát động.

ĐHTN hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với 15/15 tỉnh khu vực Trung du miền núi Bắc bộ, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng, trong đó hợp tác với tỉnh Thái Nguyên là 100 tỷ đồng.

Trong 25 năm qua, hợp tác quốc tế của ĐHTN không ngừng phát triển và đạt được những kết quả vượt trội như: Thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế; ký kết 382 thỏa thuận hợp tác; thực hiện 104 chương trình, dự án quốc tế; nhập khẩu chín chương trình tiên tiến của các nước có nền giáo dục hiện đại trên thế giới; thực hiện 27 chương trình liên kết đào tạo quốc tế;

Để nâng cao trình độ cho cán bộ, giảng viên, ĐHTN đã cử trên 3.000 lượt người đi học tập, bồi dưỡng, trao đổi học thuật; tổ chức 173 hội nghị, hội thảo có yếu tố quốc tế; cử hơn 3.100 lượt người đi học tại nước ngoài, trong đó có hơn 600 lượt cán bộ, giảng viên đi học thạc sĩ và tiến sĩ; tiếp nhận 549 lượt giáo sư, tiến sĩ đến giảng dạy và gần 3.300 lượt sinh viên quốc tế từ hơn 20 quốc gia đến học tập, nghiên cứu và thực tập nghề nghiệp.

Điều kiện bảo đảm chất lượng không ngừng được nâng cao

Để có được kết quả đáng khích lệ nêu trên là quá trình phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ, giảng viên ĐHTN trong nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đến nay, tất cả các trường thuộc ĐHTN được kiểm định chất lượng;

Khu nhà điều hành của Đại học Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hà
 Khu nhà điều hành của Đại học Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hà

ĐHTN hiện có 154 Giáo sư, Phó giáo sư; 712 Tiến sĩ, 6 NGND và 81 NGƯT, hai thầy, cô được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động; 15 chiến sĩ thi đua toàn quốc, nhiều nhà giáo có trình độ đẳng cấp quốc tế.

Sinh viên là người dân tộc thiểu số chiếm 30% nhưng chất lượng đảm bảo; thu hút sinh viên quốc tế đến từ 12 nước đang học từ cử nhân đến tiến sĩ. ĐHTN trở thành môi trường thu hút người học đến từ mọi miền đất nước. Chỉ tính riêng giai đoạn 2014-2018, tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học là gần 1.200 tỷ đồng.

Sự phát triển đi lên của ĐHTN là cơ sở thực tế vững chắc góp phần tạo tiền đề để Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ VI tiếp tục quy định vai trò, sứ mạng tồn tại của đại học vùng tại Điều 7: “Đại học Quốc gia, Đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”.

 Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, những đóng góp tích cực phát triển kinh tế- xã hội của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ nói riêng và cả nước nói chung, ĐHTN và một số trường đại học thành viên đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: 22 lượt tập thể được được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng: Nhất,Nhì, Ba; 8 lượt tập thể được tặng thưởng Huân chương Độc lập các hạng: Nhất, Nhì, Ba; 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 77 lượt cá nhân được phong tặng Huân hương Lao động hạng Nhì, hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.