Chuyển đổi giống cây trồng phù hợp
Gia đình bà Hoàng Thị Chiêm (SN: 1965) xóm Tân Đô, xã Hoà Bình, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên là một gia đình tiêu biểu trong việc xóa đói giảm nghèo từ mô hình trồng cây ăn quả. Đây là một trong những gia đình có diện tích, chủng loại và sản lượng cây ăn quả lớn trong xã. Đón tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang, đầy đủ tiện nghi, bà Chiêm vô cùng phấn khởi khi trò chuyện về mô hình trồng cây ăn quả của gia đình.
Trước đây gia đình tôi chủ yếu trồng ngô, sắn và chăn nuôi gia súc gia cầm nhỏ lẻ do không biết kỹ thuật chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế không cao. Thông qua sách báo và xem các chương trình truyền hình cũng như được sự hướng dẫn giới thiệu từ cán bộ xã gia đình bà Chiêm đã mạnh dạn chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang một số mô hình trồng cây ăn quả tại xã.
Trên diện tích đất rộng, gia đình bà Chiêm đã trồng các loại cây như: nhãn, thanh long ruột đỏ, ổi…Đất không phụ lòng người, ngay vụ thu hoạch đầu tiên gia đình bà đã thắng lớn khi thu được gần 20 triệu từ việc bán thanh long.
Theo bà Chiêm cây thanh long thể hiện ưu điểm vượt trội hơn do ổn định về năng suất và giá cả đầu ra trong khi kỹ thuật chăm sóc không quá cầu kỳ. Đặc biệt, mùa vụ thu hoạch thanh long ruột đỏ kéo dài tới 5 tháng nên rất thuận lợi cho tiêu thụ. Hiện nay, những gốc thanh long đã cho sản lượng quả với chất lượng tốt, quả có lòng đỏ tím, vị ngọt, thơm mát nên được thị trường đón nhận.
Ngoài ra, bà cũng trồng xen canh giữa ổi và nhãn, do phù hợp với đất nên cây phát triển tốt, ít bị bệnh, sai quả, quả ngọt và nên gia đình bà cũng duy trì đa dạng các loại cây ăn quả để góp phần tăng thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo”.
Bà Chiêm chia sẻ: Trồng cây ăn quả không mất nhiều thời gian, mỗi ngày chỉ cần dành vài giờ chăm sóc vườn cây, thời gian còn lại chị vẫn có thể chăm lo cho cuộc sống gia đình.
Người dân có cuộc sống khấm khá
Ông Lý Ngọc Tân (SN: 1965) là chồng của bà Chiêm vừa cắt thanh long đỏ mời khách, vừa cho biết: Để cây trồng có thể sinh trưởng và phát triển tốt thì người trồng cần chú ý đến các thời điểm để có cách chăm sóc đúng.
Đối với cây thanh long, có nhiều biện pháp xử lý ra hoa nghịch vụ nhưng biện pháp thắp đèn là hiệu quả nhất. Thời gian thắp sáng liên tục từ 15-20 đêm tùy theo mùa và điều kiện thời tiết, thời gian thắp đèn từ 7-10 giờ/đêm. Sau khi ngưng thắp đèn 3-5 ngày thì cây ra hoa. Từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 52-54 ngày.
Trước khi thắp đèn 1 tuần cần phải bón phân có tỷ lệ lân và kali cao, khi bắt đầu thắp đèn thì xử lý thêm phân Krista-MKP với liều 100- 200 g/trụ để đạt tỷ lệ ra hoa cao nhất.
Cây thanh long tương đối ít sâu bệnh hơn những cây khác, về côn trùng, chỉ cần lưu ý phòng trừ kiến, bọ xít và quan trọng nhất là ruồi vàng. Để phòng trừ ruồi vàng, có thể đặt bẫy dẫn dụ và diệt ruồi vàng. Ngoài ra, cần phải thu gom và tiêu hủy các quả bị rụng hư thối để diệt nhộng dưới đất và kiến,...
Theo ông Tân, thời điểm này thanh long chín rộ, ngày nào cũng có quả chín gia đình ông ít khi phải mang ra chợ bán mà có thương lái đến tận vườn thu mua, với giá từ 10.000 – 15.000 đồng/kg giống cây ăn quả này đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.
Ông Hoàng Văn Quân, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Bình, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: Năm 2023 số hộ nghèo, cận nghèo toàn xã là 103 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã là 103/793 hộ = 12,98% (103 hộ nghèo, cận nghèo/793 hộ, trong đó có 16 hộ không có khả năng lao động). Năm 2024 xã Hòa Bình thực hiện giảm 45 hộ để đạt tỉ lệ dưới 8,0% đủ điều kiện hoàn thành tiêu chí.
Đánh giá về hiệu quả triển khai mô hình trồng cây ăn quả, ông Hoàng Văn Quân khẳng định: Việc phát triển những mô hình trồng cây ăn quả đang là hướng đi mới mang lại hiệu quả cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Những đồi ngô, vườn sắn được thay bằng những vườn cây ăn quả tươi tốt, trĩu quả, giúp người dân có cuộc sống khấm khá, nhiều hộ vượt khó vươn lên.