Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo

GD&TĐ - Việc triển khai các hoạt động cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em nghèo đã góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo ở Hà Tĩnh.

Ngành Y tế huyện Cẩm Xuyên đánh giá tình trạng dinh dưỡng đối với trẻ em nghèo trên địa bàn. (Ảnh: N.L)
Ngành Y tế huyện Cẩm Xuyên đánh giá tình trạng dinh dưỡng đối với trẻ em nghèo trên địa bàn. (Ảnh: N.L)

Đẩy mạnh công tác phân loại dinh dưỡng

Để triển khai hiệu quả các hoạt động cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025. Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) phối hợp với các xã, thị trấn triển khai Chiến dịch cân, đo, đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ từ 0-16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo trong vòng 3 năm trên địa bàn huyện.

Bà Lưu Như Ngọc, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên) cho biết, để thực hiện tốt công tác phân loại dinh dưỡng cho các cháu nhỏ, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị và thông báo đến các gia đình có các cháu nhỏ trong diện được cân đo, kiểm tra.

“Quá trình triển khai, bố mẹ các cháu nhỏ đều vui vẻ đưa con đến kiểm tra, đầy đủ số lượng theo thông báo”, bà Ngọc nói.

Chị Nguyễn Thị Hiếu (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên) đưa con nhỏ 13 tháng tuổi đến Trạm tế xã để triển khai cân, đo, đánh giá, phân loại tình trạng dinh dưỡng cho biết, đây là hoạt động rất ý nghĩa, giúp gia đình chị có thêm kiến thức để chăm sóc tốt hơn cho con.

“Đối với gia đình tôi, từ trước đến nay, việc kiểm tra tình trạng dinh dưỡng cho con chưa được nắm rõ. Nay được các cấp ngành quan tâm, các y, bác sĩ kiểm tra, tư vấn đã giúp gia đình tôi hiểu biết nhiều hơn để chăm sóc con phát triển khỏe mạnh”, chị Hiếu nói.

Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên, trên địa bàn có 1.980 đối tượng trẻ từ 0 đến dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo được cân, đo, đánh giá tình trạng dinh dưỡng trong dịp này. Trong đó tập trung đông ở các xã: Cẩm Mỹ, Cẩm Thành, Cẩm Bình và các xã vùng bán sơn địa…

Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên cho biết, thời gian qua, đơn vị đã trực tiếp hướng dẫn, giám sát các Trạm Y tế triển khai cân, đo, đánh giá, phân loại tình trạng dinh dưỡng toàn bộ trẻ từ 0 đến dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Hướng dẫn các Trạm Y tế báo cáo, tổng hợp kết quả; tổng hợp danh sách trẻ suy dinh dưỡng, trẻ gái vị thành niên từ 12 đến dưới 16 tuổi có kinh nguyệt để bổ sung sản phẩm vi chất dinh dưỡng và vi chất sắt.

Phối hợp với phòng Kế toán tài chính hướng dẫn các mẫu chứng từ thanh quyết toán cho các Trạm Y tế theo quy định hiện hành. Phòng Tài chính kế toán phối hợp với các khoa khoa phòng chuyên môn hoàn thiện các mẫu chứng từ thanh quyết toán theo quy định. Sử dụng nguồn kinh phí của Dự án 3 năm 2024 thanh quyết toán kinh phí cho những người tham gia cân, đo và các Trạm Y tế theo đúng quy định hiện hành.

Trạm Y tế các xã, thị trấn trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch cân, đo, đánh giá tình trạng dinh dưỡng thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 năm 2024. Triển khai kế hoạch cân, đo cho trẻ được hưởng lợi từ Dự án. Chỉ đạo đội ngũ nhân viên y tế thôn, tổ dân phố tổ chức thực hiện kế hoạch.

c1.jpg
Việc kiểm tra cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em nghèo nhằm thực hiện tốt chương trình giảm nghèo. (Ảnh: N.L)

Dựa vào kết quả cân, đo tiến hành đánh giá và phân loại dinh dưỡng dựa vào biểu đồ tăng trưởng của trẻ dưới 5 tuổi; dựa vào Z-Score của các chỉ số: Cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi, cân nặng theo chiều cao, BMI theo tuổi. Sau khi hoàn tất việc cân, đo, đơn vị sẽ tiến hành tổng hợp số liệu để báo cáo bao gồm: số trẻ được cân, đo, số trẻ suy dinh dưỡng, số trẻ gái vị thành niên từ 12 đến duới 16 tuổi.

Đảm bảo các điều kiện về dinh dưỡng và y tế

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, trong những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, trong đó có vấn đề dinh dưỡng luôn được các cấp, các ngành của tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Kết quả được thể hiện ở việc 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế kịp thời; 100% xã, phường, thị trấn có nữ hộ sinh; 100% thôn, tổ dân phố có nhân viên y tế. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 13,9% năm 2022 xuống 13,6% năm 2023; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 8,0% năm 2022 xuống 7,7% năm 2023. 100% đơn vị, trường học đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…

Theo đánh giá của Sở LĐ – TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, tỉnh đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, qua đó giúp các em có cuộc sống đầy đủ về vật chất, tinh thần, phát triển toàn diện về mọi mặt. Trên cơ sở đó, trong năm 2024, tỉnh phấn đấu 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp dưới các hình thức.

Để triển khai hiệu quả nếu trên, nhằm góp phần thực hiện tốt chương Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025. Sở Lao động - TBXH tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện, phát triển toàn diện trẻ em.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Trong thời gian tới, tiếp tục quan tâm, chăm lo cho trẻ em bảo đảm các điều kiện tốt nhất về thực phẩm, dinh dưỡng, chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe và được tiếp cận các dịch vụ xã hội khác, đảm bảo mọi trẻ em đều được chăm sóc, bảo vệ kịp thời. Quan tâm, động viên, tặng quà hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ