Giảm nghèo bền vững từ định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng chủ lực

GD&TĐ - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu được Gia Lai chú trọng.

Vườn sầu riêng ở thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai cho năng suất cao sau khi chuyển đổi từ đất trồng cây ngắn ngày. (Ảnh: TT)
Vườn sầu riêng ở thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai cho năng suất cao sau khi chuyển đổi từ đất trồng cây ngắn ngày. (Ảnh: TT)

Chuyển đổi phù hợp với điều kiện tự nhiên

Gia Lai là tỉnh nằm ở phía Bắc của vùng Tây Nguyên có diện tích 15.536 km2 (lớn thứ 4 cả nước), quy mô dân số khoảng 1,4 triệu người (năm 2023).

Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản. Trong đó, cây trồng chủ lực vẫn là cà phê, cao su, hồ tiêu. Tuy nhiên, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, một số loại cây trồng có sức chống chịu kém, cho năng suất thấp... đã được các địa phương trong tỉnh chuyển dịch sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.

A2- Tay Nguyen chu dong ung pho han han.jpg
Cây trồng chủ lực là cà phê, nhưng vào mùa khô nhiều vườn cây vẫn "khát nước" khiến người dân gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: TT)

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 5.458,16 ha cây trồng kém hiệu quả sang các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cụ thể, Gia Lai hiện có khoảng 255.668,4 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance,...

Có 227 mã số vùng trồng với tổng diện tích 9.668,7 ha và 38 mã cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 1.500 - 1.700 tấn quả tươi/ngày phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ…

Báo cáo cũng chỉ rõ, trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị tổng sản phẩm ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai tăng 4,26% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 57/QĐ-UBND ngày 23/2/2024. Theo đó, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2024 của tỉnh khoảng 545,67 ha.

Trong đó, chuyển sang trồng cây hàng năm khoảng 518,17 ha, chuyển sang trồng cây lâu năm khoảng 27,50 ha.

Theo ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, trong giai đoạn 2016-2022, các địa phương trong toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích 41.582,25 ha cây trồng kém hiệu quả sang phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Một điều nữa, việc chuyển đổi được thực hiện dựa trên các khảo sát, đánh giá khách quan trong một thời gian dài về việc tác động của biến đổi khí hậu đến năng suất, chất lượng của từng loại cây trồng.

Như cách đây 10 năm (vụ Đông Xuân 2014-2015 - PV), thiệt hại do khô hạn tại 12/17 huyện của tỉnh Gia Lai là 33,8 tỷ đồng. Cụ thể, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại là 1.821,97 ha. Trong đó, lúa thuần có 1.509,55 ha (27,2 tỷ); rau màu các loại 232,25 ha (5,5 tỷ); cây công nghiệp dài ngày (cây cà phê) 35,08 ha (1,1 tỷ).

Theo đánh giá của UBND tỉnh Gia Lai, các mô hình, đối tượng cây trồng chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp từ 2 đến 5 lần so với trước khi thực hiện chuyển đổi.

A1- Sầu riêng.png
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững ở Gia Lai. (Ảnh: CTV)

Phấn đấu giảm nghèo theo hướng bền vững

Theo Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 111/QĐ-UBND, ngày 14/3/2023 của UBND tỉnh Gia Lai-PV), địa phương này sẽ quyết tâm giảm dẫn tỷ lệ hộ nghèo trên 1% mỗi năm.

Đây được xem là "kim chỉ nam" cho quyết tâm chính trị của địa phương này trong việc tổ chức lại hoạt động trồng trọt thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống người dân, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng tỉnh Gia Lai là nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; nâng cao giá trị sản xuất; nâng cao thu nhập; tạo thêm việc làm; góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Gia Lai phấn đấu thực hiện chuyển đổi khoảng 58.560 ha cây trồng kém hiệu quả sang phát triển rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu, cây làm thức ăn cho chăn nuôi, cây trồng khác và dành quỹ đất phát triển các khu, vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo... Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất thực hiện chuyển đổi đạt khoảng 150 - 200 triệu đồng.

Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu thực hiện chuyển đổi khoảng 17.000 ha cây trồng kém hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất thực hiện chuyển đổi đạt khoảng 250 triệu đồng.

A2- Y akha.png
Vườn sầu riêng ở thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai cho năng suất cao sau khi chuyển đổi từ đất trồng cây ngắn ngày. (Ảnh: TT)

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, hiện nay, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đang được đưa vào sản xuất, thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả. Trong đó, các loại cây trồng thuộc nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, chanh dây, cây dược liệu… đã phát huy giá trị kinh tế, góp phần nâng cao tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong tổng sản phẩm tỉnh Gia Lai.

Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai khẳng định, việc thực hiện Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngoài hiệu quả kinh tế còn hướng tới hiệu quả xã hội. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo thêm ngành nghề và việc làm mới, tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Đồng thời, tạo diện mạo và bản sắc mới cho nông thôn Gia Lai với các loại cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Năm 2024, tỉnh Gia Lai phấn đấu thực hiện chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo, cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) 6,11%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số 3%, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đối với huyện nghèo Kông Chro giảm 5,5%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thế giới Cây và hoa Việt Nam