Trở thành nhà khoa học tại… gia

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhắc đến khoa học, nhiều người ngay lập tức tưởng tượng ra những tiết học lí thuyết khô khan và chán ngắt ở trường.

Trang liệt kê cột mốc các bước tiến lớn trong nghiên cứu khoa học của nhân loại trong cuốn 'Học viện Nhà khoa học'. Ảnh: Anh Sơn.
Trang liệt kê cột mốc các bước tiến lớn trong nghiên cứu khoa học của nhân loại trong cuốn 'Học viện Nhà khoa học'. Ảnh: Anh Sơn.

Nhắc đến khoa học, nhiều người ngay lập tức tưởng tượng ra những tiết học lí thuyết khô khan và chán ngắt ở trường. Tuy nhiên, chỉ cần kết hợp mớ lí thuyết khô khan ấy cùng với chút “gia vị” là những bài thực hành, khoa học ngay lập tức trở thành chiếc bánh mì mà ai cũng có thể “xơi” ngon lành.

Rồi thì, cái gì cơ, muốn thực hành khoa học cần phải có một phòng thí nghiệm hoành tráng đầy ắp những trang thiết bị đắt tiền á. Bạn lại nhầm rồi. Hãy ra hiệu sách sắm cho mình cuốn “Học viện Nhà khoa học” của tác giả Steve Martin và trở thành nhà khoa học thực thụ ngay tại gia.

Gặp “thần tượng”

Khoa học là môn học chỉ chung cho nhiều môn học khác như: Hóa học, Vật lí, Sinh học hay thậm chí cả Thiên văn học nữa. Tất nhiên, việc có thể thu nạp được hết kiến thức khoa học rất khó nhưng cuốn sách này sẽ truyền cảm hứng không nhỏ cho độc giả trẻ trên con đường hướng tới đích đến là trở thành một nhà khoa học.

Tác phẩm này qua cách thiết kế của tác giả Steve Martin thực sự đã trở thành một học viện thực thụ chào đón những ai muốn khám phá những kiến thức khoa học bổ ích.

Ngay từ phần đầu tiên của cuốn sách là lời chào mừng đến với học viện nhà khoa học đầy ấm áp như lời của một người thầy: “Xin chúc mừng! Hiện bạn đã gia nhập Học viện Nhà khoa học, nơi bạn sẽ tìm hiểu về một ngành nghề mà bạn phải biết… chà, MỌI THỨ”.

Sau đó người thầy đó giới thiệu về những đặc điểm mà mọi nhà khoa học phải có: “Các nhà khoa học luôn hiếu kì với thế giới xung quanh. Họ thích khám phá nguyên lí vận hành của sự vật, từ những hạt nhỏ nhất cho tới vũ trụ rộng lớn”.

Nối tiếp là nhiệm vụ đầu tiên dành cho bạn đọc lại là... điền tên vào thẻ nhà khoa học thật sự. Nghe có vẻ buồn cười nhưng điều này thực sự tạo ra sự chuyên nghiệp rất lớn cũng như những hào hứng nhất là ở các bạn nhỏ khi khám phá cuốn sách.

Sau khi đeo chiếc thẻ học viên vừa điền vào cổ, độc giả sẽ được bước qua cánh cổng của học viện và gặp gỡ năm nhà khoa học đảm nhận các nhiệm vụ chuyên môn về: Thực nghiệm, điều tra, vũ trụ, Trái đất và sự sống.

Mỗi nhà khoa học tương ứng với một lĩnh vực riêng mà người đọc sẽ được tìm hiểu trong cuốn sách. Bởi vậy “Học viện Nhà khoa học” sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin vô cùng bổ ích cũng như toàn diện.

Ngay sau phần mở đầu và giới thiệu, độc giả sẽ được giới thiệu đến “phòng truyền thống” của học viện, nơi chứa đựng thông tin và thành tựu của sáu nhà khoa học vĩ đại xuyên suốt quá trình phát triển của loài người.

Nếu như thời cổ đại có một Archimedes xuất chúng - người có câu nói “Eureka” nổi tiếng khi phát hiện ra định luật “lực đẩy Archimedes” thì những thế kỉ sau đó đã xuất hiện Nicolaus Copernicus, Issac Newton, Charles Darwin, Albert Einstein hay Stephen Hawking.

Tìm hiểu về những con người đã đặt nền móng cho nền khoa học của nhân loại trước khi bước chân vào học viện cũng là một hoạt động thú vị, đáp ứng niềm mến mộ, thần tượng của mỗi người với các học giả…

Cuốn sách 'Học viện Nhà khoa học' do NXB Kim Đồng ấn hành. Ảnh: Anh Sơn.

Cuốn sách 'Học viện Nhà khoa học' do NXB Kim Đồng ấn hành. Ảnh: Anh Sơn.

Thí nghiệm nối tiếp

Cánh cửa của lớp học đầu tiên được mở ra đón chào những nhà khoa học thực nghiệm tương lai. Tại đây, những thí nghiệm vô cùng bổ ích, các trò chơi thú vị về ba bộ môn Vật lí, Hóa học, Sinh học được hướng dẫn cho bạn đọc có thể thực hiện tại nhà. Thí nghiệm đầu tiên khá quen thuộc với rất nhiều người, chính là về dầu và nước - nghiên cứu về mật độ của các chất.

Ngay sau đó, tại lớp học này “các nhà khoa học tập sự cần phải học hỏi rất nhiều kĩ năng khác nhau và đo lường là một trong những kĩ năng quan trọng nhất”. Những bức ảnh chứa các câu hỏi kiểm tra khả năng đo lường của độc giả sẽ luôn ẩn chứa nhiều điều bất ngờ kèm theo đáp án ở cuối mỗi trang.

Chuyển sang bộ môn Hóa học thí nghiệm mực tàng hình cũng được tác giả giới thiệu và giải thích cặn kẽ cơ chế hoạt động. Ở tiết học Sinh học, độc giả sẽ biết thêm về thông tin chung của “những cơ quan chính giúp cơ thể chúng ta hoạt động” trước khi đến với thí nghiệm quả bóng bàn lơ lửng của môn học Vật lí.

Đây đều là những thí nghiệm đơn giản có thể làm tại nhà với những đồ vật quen thuộc xung quanh, qua đó giúp người đọc có thể ghi nhớ các thông tin quan trọng dễ dàng hơn, bền vững hơn.

Với cách sắp xếp đan xen khoa học giữa các trò chơi, thí nghiệm và lí thuyết, tác giả Steve Martin đã tạo nên tác phẩm cuốn hút về một bộ môn tưởng chừng khô khan.

Cuối các trang sách, trò chơi, thí nghiệm hay nhiệm vụ đặt ra đều có nơi để đánh dấu “đã hoàn thành” cũng như cuối mỗi phần lại có một bằng tốt nghiệp nho nhỏ trao cho người đọc và thực hiện, tạo sự hứng khởi cũng như niềm thích thú tiếp tục khám phá khoa học cho độc giả, nhất là các bạn nhỏ.

Ngoài những phần sau đang chờ được độc giả tìm tòi thì sách cũng đính kèm rất nhiều “phụ kiện” dễ thương mà bổ ích như chiếc đồng hồ Mặt trời hay bảng tuần hoàn hóa học.

Những trang giới thiệu về các nhà khoa học nổi tiếng, các thí nghiệm, thử thách đó đã tạo nên một tác phẩm “Học viện Nhà khoa học” hay miễn chê về những kiến thức khoa học bổ ích quanh ta.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ