Tại buổi ra mắt sách, PGS. TS Bùi Xuân Đính, nhà nghiên cứu dân tộc học, Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn và Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Giang Linh đều bày tỏ sự vui mừng và ngạc nhiên khi lần đầu được tiếp cận một tài liệu quý như cuốn sách "Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ".
Với những miêu tả chi tiết cùng những tranh minh họa sống động, cuốn sách đưa độc giả đến với thế giới giải trí vô tư của trẻ em, để rồi qua đó, tiếp cận với những tập tục và truyền thống sinh hoạt của người An Nam xưa theo một cách thức tự nhiên và lôi cuốn.
Cuốn sách "Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ" đưa độc giả đến với thế giới giải trí vô tư, hồn nhiên. Ảnh: Bình Thanh |
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, cuốn sách “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” của tác giả Ngô Quý Sơn là cơ sở khoa học đáng tin cậy để phục hồi, truyền bá và phát triển các trò chơi dân gian đã vắng bóng ở trường học, các vùng nông thôn và một số vùng đô thị.
Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Giang Linh cũng đặc biệt bày tỏ sự xúc động khi đọc cuốn sách cô được gặp lại một số trò chơi ấu thơ như: Chi chi chành chành, kéo cưa lừa xẻ, thả đỉa ba ba, xỉa cá mè…
Không ít bạn trẻ tham gia buổi ra mắt sách cũng hào hứng đọc theo những câu đồng dao cùng sự thích thú vì lâu rồi mới được nghe.
Độc giả trẻ hào hứng đọc những câu đồng dao trong buổi ra mắt sách "Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ". Ảnh: Bình Thanh |
Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn cho rằng, nếu chỉ thoạt nhìn thì cảm thấy các trò chơi được mô tả đơn giản song ông đặc biệt ấn tượng và không khỏi giật mình về việc tác giả phân loại trò chơi.
Cụ thể, trong cuốn sách, tác giả Ngô Quý Sơn đã hệ thống và phân loại một cách chi tiết về trò chơi của trẻ em, gồm: Các trò chơi liên quan đến cơ thể, các trò chơi dùng que, các trò chơi dùng sỏi, đánh đáo, chơi diều, các trò chơi may rủi và tìm kiếm, các trò giải trí khác, các trò ma thuật, các trò dùng lời nói, những trò ức hiếp giễu nhại.
“Không ít trò chơi được tác giả Ngô Quý Sơn mô tả trong cuốn sách giờ đã không còn như: Giã gạo, mít mật - mít dai, quay cuống, giần con sàng, giàn mướp, đánh đinh, đánh bò… Vì vậy, từ đây có thể gợi ý cho việc phục hồi và xây dựng các trò chơi phù hợp với thời nay”, Tiến sĩ Mai Anh Tuấn nhận định.
Cuốn sách “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” được tác giả Ngô Quý Sơn viết bằng tiếng Pháp và dịch giả Phùng Hồng Minh là người chuyển ngữ sang tiếng Việt. Cuốn sách là một dự án nghiên cứu văn hóa của Nhã Nam, được xuất bản với sự tài trợ của VinIF (Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup).
Về tác giả Ngô Quý Sơn, theo Nhã Nam, hiện nay chỉ mới có một số thông tin ít ỏi từ nhà nghiên cứu Ngô Thế Long: Ngô Quý Sơn là thành viên thực thụ của Viện Nghiên cứu về con người Đông Dương, thành lập năm 1937. Năm 1943, ông cho ra mắt “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” lần đầu bằng tiếng Pháp trên tập san của Viện.
Các tài liệu đi kèm trong cuốn sách được Ngô Quý Sơn thu thập vào các năm 1940 và 1941 tại một số làng ở Bắc Kỳ. Phần nhiều trò chơi được ông quan sát trực tiếp tại các tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh và Sơn Tây. Thông tin về trò chơi ở các địa phương khác được cung cấp bởi những người đưa tin là dân gốc tại đó nhưng tạm trú ở Hà Nội.