Quan hệ Nga - Ukraine trở lại thành tâm điểm của thế giới suốt những ngày qua, đặc biệt sau khi giới chức Mỹ liên tục tung ra thông tin cáo buộc Nga “sắp tấn công Ukraine”, gợi cảm giác hai bên như đang bên miệng hố chiến tranh.
Một trong những lý do khiến Mỹ liên tục cảnh báo xung đột xảy ra là việc khoảng 100.000 binh sỹ Nga được triển khai tại khu vực biên giới với Ukraine.
Washington cho rằng, số quân này đủ 100% lực lượng để Nga có thể phát động tấn công Ukraine bất cứ lúc nào. Thậm chí, giới chức Mỹ còn cảnh báo “cuộc tấn công có thể xảy ra trong thời điểm diễn ra Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022”.
Tình hình trở nên nóng hơn khi ngày 13/2 Mỹ tuyên bố rút nhân sự khỏi thủ đô Kiev của Ukraine trong vòng 48 tiếng và kêu gọi tất cả công dân Mỹ rời Ukraine. Sau đó, các nước Anh, Hà Lan, Na Uy, Nhật Bản cũng có động thái tương tự khiến tình hình thêm căng thẳng.
Trước đó, Lầu Năm Góc còn thông báo kế hoạch gửi thêm 3.000 binh sỹ tới Ba Lan, để tăng cường cho 3.000 quân đang đồn trú sẵn ở Ba Lan và Rumani nhằm sẵn sàng cho tình huống Nga “động binh” với Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thì liên tục tuyên bố sẽ có phản ứng “mạnh tay” nếu Nga có hành động quân sự với Ukraine. Tuy nhiên, Washington cũng nói rõ việc Mỹ sẽ không có kế hoạch đưa quân vào Ukraine, kể cả khi Nga tấn công nước này. Mỹ chỉ cảnh báo cụ thể rằng, Nga sẽ đối mặt với “hậu quả kinh tế và chính trị nặng nề” nếu tấn công Ukraine.
Trong cuộc điện đàm mới nhất giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 13/2, hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của các giải pháp ngoại giao cho căng thẳng với Nga.
Phía Nga thì luôn giữ quan điểm họ không có kế hoạch động binh, bất chấp việc Ukraine liên tục đòi Matxcơva giải thích việc điều động quân đội tới biên giới nước này.
Trong khi đó, lý do cốt lõi của việc Nga tập trung quân sự tới gần Ukraine lần này cũng không có gì mới là nhằm tăng cường sức ép để phản đối Ukraine ngả về phương Tây, đặc biệt là tham vọng gia nhập khối quân sự NATO. Nga luôn gây áp lực và yêu cầu phương Tây đảm bảo việc Ukraine gia nhập NATO không bao giờ xảy ra.
Tuy nhiên, sau sự kiện Nga đơn phương sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và ủng hộ phe ly khai ở miền Đông Ukraine thì việc Matxcơva điều binh tới sát biên giới Ukraine lần này được phương Tây, nhất là Mỹ nhìn nhận như một hành động nghiêm trọng cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng phía Nga vẫn nhiều lần nhấn mạnh không có ý định như vậy và chỉ trích Mỹ đang lan truyền “những lời nói dối nguy hiểm”.
Thị trường dầu mỏ, vàng và chứng khoán toàn cầu cũng đã nhanh chóng có phản ứng với căng thẳng Nga - Ukraine, trong đó giá dầu và vàng tăng cao và chứng khoán tại các thị trường lớn sụt điểm do nhà đầu tư đi tìm kênh trú ẩn an toàn cho đồng tiền.
Trong khi cả thế giới đang có nhiều đồn đoán khi nào xảy ra chiến thì chiều 15/2, Bộ Quốc phòng Nga bất ngờ thông báo bắt đầu rút lực lượng gần Ukraine về căn cứ sau khi hoàn tất diễn tập. Nga cho biết việc này đang diễn ra theo đúng kế hoạch từ trước, nhưng nhấn mạnh sẽ tiếp tục điều động binh sỹ nếu cần thiết.
Với động thái mới nhất của Matxcơva, dường như lò lửa Nga - Ukraine đã đột ngột hạ nhiệt đúng lúc Mỹ và phương Tây đang vẽ lên bức tranh cho thấy hai nước đã “bên miệng hố chiến tranh”.
Đây cũng là sự giải thích khả dĩ cho việc tại sao cả thế giới lo ngại nổ ra xung đột, trong khi người dân tại chính hai nước Nga và Ukraine lại đều tỏ ra bình thản trong suốt những ngày qua.