Trình Quốc hội phê chuẩn các thành viên Chính phủ

Trình Quốc hội phê chuẩn các thành viên Chính phủ

(GD&TĐ) - Sáng 2-8, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, nhân sự Tổng kiểm toán Nhà nước.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XIII
Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XIII

Đánh giá về nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII, đa phần các đại biểu Quốc hội nhất trí với tờ trình của Thủ tướng. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ được kiện toàn theo đúng chủ trương của Đảng và Quốc hội. Vai trò, chức năng nhiệm vụ của Chính phủ với vị trí là cơ quan chấp pháp của Quốc hội, cơ quan hành pháp, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất ngày được nâng lên. Chính phủ đã làm tốt hơn nhiệm vụ thể chế hoá, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ đã chuyển mạnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và quản lý điều hành vĩ mô theo quy định của pháp luật. Việc tổ chức quản lý bộ theo quản lý đa ngành, đa lĩnh vực có mối quan hệ liên thông với nhau đã giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính và khắc phục tình trạng chia cắt.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hoạt động của Chính phủ khoá XII theo cơ cấu tổ chức vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, như hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn chưa cao.

Về chức năng nhiệm vụ của Chính phủ, đa số đại biểu Quốc hội đồng ý với tời trình của Thủ tướng Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và cho rằng: cơ cấu Chính phủ như vậy là phù hợp về số lượng và có sự phân công hợp lý.

Về số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với tờ trình. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị thành lập thêm Bộ Thủy lợi, Bộ Quản lý về biển, Bộ Năng lượng, Bộ Đại học và Nghiên cứu khoa học; Bộ Dân số Gia đình và Trẻ em…

Có ý kiến đề nghị đổi tên Bộ Tài nguyên và Môi trường thành bộ Bộ Tài nguyên Môi trường và Nước; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thành Bộ Lao động và Xã hội hoặc thành Bộ An sinh xã hội, đồng thời sáp nhập Bảo hiểm xã hội vào bộ này…

Từ các ý kiến trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận và thấy rằng, trong thực quản lý điều hành cần tiếp tục nghiên cứu và đặc biệt trong quá trình tổng kết mô hình hoạt động của các Bộ, khi sửa đổi Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, về dự kiến cơ cấu Chính phủ khóa XIII được xây dựng trên cơ sở quán triệt Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 5 khoá X; đánh giá cơ cấu tổ chức Chính phủ các khoá gần đây, nhất là cơ cấu tổ chức Chính phủ khoá XII, với yêu cầu thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật… Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy chưa nên có sự thay đổi cơ cấu Chính phủ trong nhiệm kỳ này, đề nghị Quốc hội chấp nhận cơ cấu tổ chức như tờ trình.

Về số lượng Phó Thủ tướng, đại đa số tán thành với tờ trình.

Kết quả phiếu xin ý kiến cho thấy, các đại biểu đều tán thành cao với tờ trình.

Tiếp đó, Ban thư ký của kỳ họp đã trình bày Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và số Phó thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII. Theo đó, Cơ cấu của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII có 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ; số Phó Thủ tướng là 4. Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết  với tỷ lệ 97,8%.

Cũng trong buổi sáng 2-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Theo đó, danh sách nhân sự được Thủ tướng Chính phủ đề nghị như sau:

4. Phó Thủ tướng bao gồm:

- Ông Hoàng Trung Hải
- Ông Nguyễn Thiện Nhân
- Ông Nguyễn Xuân Phúc
- Ông Vũ Văn Ninh

18 Bộ trưởng bao gồm:

- Bộ Quốc phòng: ông Phùng Quang Thanh
- Bộ Công An : ông Trần Đại Quang
- Bộ Nội vụ: ông Nguyễn Thái Bình
- Bộ Tư pháp: ông Hà Hùng Cường
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: ông Bùi Quang Vinh
- Bộ Tài chính: ông Vương Đình Huệ
- Bộ Công Thương: ông Vũ Huy Hoàng
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: ông Cao Đức Phát
- Bộ Giao thông Vận tải: ông Đinh La Thăng
- Bộ Xây dựng: ông Trịnh Đình Dũng
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: ông Nguyễn Minh Quang
- Bộ Thông tin và Truyền thông: ông Nguyễn Bắc Son
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: bà Phạm Thị Hải Chuyền
- Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: ông Hoàng Tuấn Anh
- Bộ Khoa học - Công nghệ: ông Nguyễn Quân
- Bộ Y tế: bà Nguyễn Thị Kim Tiến
- Bộ Giáo dục và Đào tạo: ông Phạm Vũ Luận
- Bộ Ngoại giao: ông Phạm Bình Minh

4. Chủ nhiệm các cơ quan ngang Bộ là:

Uỷ ban Dân tộc: ông Giàng Seo Phử
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: ông Nguyễn Văn Bình
Thanh tra Chính phủ: ông Huỳnh Phong Tranh
Văn phòng Chính phủ: ông Vũ Đức Đam

Theo lịch kỳ họp, ngày mai 3/8 Quốc hội thảo luận thông qua danh sách để Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên Chính phủ. Sau khi Quốc hội thảo luận thông qua Nghị quyết phê chuẩn, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ phát biểu nhậm chức.

PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.