Ngăn chặn ‘điểm nóng’ về an ninh chính trị ở vùng biên Mường Nhé

GD&TĐ - Sau “điểm nóng” Huổi Khon, huyện Mường Nhé đã có nhiều giải pháp xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và giữ vững an ninh, chính trị.

Công an huyện Mường Nhé tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật đến người dân.
Công an huyện Mường Nhé tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật đến người dân.

Bài học từ “điểm nóng” Huổi Khon

Là địa bàn biên giới đặc thù với phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, có thời điểm huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên được nhắc tới là “điểm nóng” về tình trạng hoạt động tôn giáo trái pháp luật, phá rừng, di cư tự do.

Theo đó, từ 30/4 – 6/5/2011, đã có khoảng 7.000 người Mông ở nhiều nơi ồ ạt kéo về bản Huổi Khon (nay được chia thành Huổi Khon 1 và Huổi Khon 2), xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé dựng lều bạt để tụ tập, chờ đợi sự xuất hiện của “Vua Mèo”. Họ biểu tình đòi tự do tôn giáo, ly khai tự trị, lập “Nhà nước Mông” trái pháp luật.

Trước tình hình phức tạp ở Huổi Khon, Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Nhé đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, thuyết phục và giải tán đám đông. Qua xác minh, có trên 80 đối tượng cầm đầu cốt cán như: Sùng Và Mình, Hờ Tủa Mình...

Ông Giàng A Dế, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Nhé cho biết: “Lực lượng này đã khủng bố, đe dọa, khống chế quần chúng Nhân dân trong bản tham gia hoạt động chống đối và gây ra rất nhiều vụ việc phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn. Điển hình là vụ Sùng Và Mình dùng súng quân dụng bắn ông Sùng A Cha (là chú ruột của Sùng Và Mình) do nghi ngờ ông cộng tác với cơ quan chức năng... Hoạt động của các đối tượng làm người dân lo sợ, không yên tâm lao động sản xuất, nhiều người phải bán nhà cửa, tài sản chuyển đi nơi khác sinh sống”.

Từ bài học “điểm nóng” ở Huổi Khon, huyện Mường Nhé đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tập trung xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, không để xảy ra những vụ việc tương tự.

Theo đó, huyện đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng đấu tranh bóc gỡ, quản lý chặt chẽ các đối tượng có lịch sử liên quan đến hoạt động lập “Nhà nước Mông”; thường xuyên gặp gỡ, giáo dục, hướng các đối tượng từ bỏ hoạt động, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện dấu hiệu hoạt động trở lại.

muong-nhe-4.jpg
Một góc bản Huổi Khon ngày nay.

Ông Giàng A Dế nhấn mạnh: “Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về dân tộc, tôn giáo. Trong đó, công tác dân vận được xác định phải đi trước, là giải pháp quan trọng trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo trên địa bàn”.

Mỗi cán bộ làm công tác dân vận đều phải thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) để chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Kiên trì tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; âm mưu, thủ đoạn lợi dụng dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động.

Huyện Mường Nhé cũng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, thực hiện rà soát, đánh giá, tuyên truyền, vận động các chức sắc, chức việc, trưởng điểm nhóm thực hiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung theo quy định.

Toàn huyện hiện có 87/108 điểm, nhóm tôn giáo được cấp đăng ký sinh hoạt tập trung (các điểm còn lại sẽ được rà soát, cấp đăng ký sớm nhất khi đủ điều kiện). Địa phương cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để tín đồ, chức sắc, chức việc trong tôn giáo được bày tỏ niềm tin, tiến hành các lễ nghi, sinh hoạt tôn giáo theo giáo lý, giáo luật.

muong-nhe-3-5459.jpg
Điểm sinh hoạt tôn giáo được cấp đăng ký sinh hoạt tập trung.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia, gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc... Nhờ đó, tình hình tôn giáo trên địa bàn huyện Mường Nhé cơ bản ổn định, người dân có đạo tích cực phát triển kinh tế, tham gia các phong trào, cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động.

Song song với ổn định tình hình an ninh chính trị, huyện Mường Nhé đã tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tích cực phối hợp triển khai thực hiện Đề án 79 của Chính phủ về sắp xếp, ổn định dân cư, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện Mường Nhé.

Thực hiện có hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề cho Nhân dân, giải quyết việc làm, hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt, làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo...

Đến nay, trên địa bàn huyện Mường Nhé cơ bản không còn người di cư tự do. Người dân đã ổn định cuộc sống, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, yên tâm lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

“Huyện Mường Nhé luôn nỗ lực tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ; xây dựng, tranh thủ có hiệu quả lực lượng cốt cán trong đồng bào các dân tộc, già làng, người có uy tín”, ông Giàng A Dế thông tin.

Xây dựng “bản bình yên”

Khi Huổi Khon còn là "điểm nóng", ông Giàng A Sỳ, người dân trong bản cũng từng mê muội, bán hết trâu, bò, lợn, gà... để chờ ngày được gặp “Vua”.

Sau khi được tuyên truyền, giải thích, gia đình ông Sỳ cùng nhiều hộ dân khác trong bản đã “tỉnh ngộ” và quay trở về làm ăn chân chính. Hơn 10 năm làm lụng chăm chỉ, đến nay, gia đình ông Sỳ đã có cuộc sống sung túc hơn.

“Tôi rất vui khi được bàn giao căn nhà Đại đoàn kết khang trang, sạch đẹp và vững chãi. Con em trong nhà được chăm sóc, giáo dục chu đáo. Các cháu đều được đến trường học tập”, ông Sỳ chia sẻ.

muong-nhe-3.jpg
Trưởng bản Huổi Khon 2 (áo xanh) hiến đất xây điểm trường mầm non.

Người dân Huổi Khon còn được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án hỗ trợ khác như: Chương trình 30a, 134, 135, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi... Từ đó đã tạo “đòn bẩy” để vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Ông Giàng A Dế, chia sẻ: “Hiện này đời sống, kinh tế của bà con ở Huổi Khon đã có những chuyển biến tích cực. Đường ô tô từ xã đến bản đã được mở rộng, nâng cấp, giao thông nội bản được bê tông hóa. Điểm trường tiểu học và mầm Non được xây dựng kiên cố hóa, con em đồng bào đi học được ăn bữa trưa và nghỉ tại trường. Nhà văn hóa bản đã được xây dựng kiên cố phục vụ việc sinh hoạt cộng đồng của bà con”.

muong-nhe-7.jpg
Giờ học trải nghiệm của trẻ tại điểm trường Huổi Khon.

Hiện Huổi Khon có tổng số hơn 100 hộ với 440 khẩu. Tại thời điểm xảy ra điểm nóng 100% hộ dân thuộc hộ nghèo, đến nay, hộ nghèo của bản đã giảm xuống còn dưới 40%. Kinh tế của người dân từng bước được cải thiện.

Ông Thào A Da, Trưởng bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè phấn khởi chia sẻ: “Từ sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của người dân địa phương, đến nay gần 100% số hộ đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở "3 cứng" trở lên. Người dân cũng chuyên tâm phát triển kinh tế gia đình".

Ông Trần Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Kè, cho hay, địa phương rất chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, bản. Trong đó, tập trung xây dựng tổ chức Đảng, phát triển Đảng viên.

"Đội ngũ Đảng viên là người dân tộc thiểu số, am hiểu phong tục, tập quán sẽ đảm nhiệm vai trò tiên phong gương mẫu và trở thành hạt nhân chính trị, là nòng cốt trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước", ông Trần Trung Kiên nói.

muong-nhe-8-6648.jpg
Cô, trò trường PTDTBT Tiểu học Nậm Kè số 1, huyện Mường Nhé.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Kè số 1 hiện có hơn 100 học sinh của 2 bản Huổi Khon đang theo học.

Cô Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cuộc sống của người dân Huổi Khon khấm khá hơn nên nhiều gia đình đã quan tâm hơn đến việc học tập của các con. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường, lớp luôn đạt 100%”.

Không chỉ ổn định cuộc sống, vươn lên trong phát triển kinh tế, bản Huổi Khon giờ đây còn được biết đến là bản không có tà đạo.

“Từ một bản “trắng Đảng viên” và tổ chức Đảng, đến nay, Huổi Khon đã có Đảng viên là người dân bản địa và có Chi bộ Đảng. Đặc biệt, năm 2023, Huổi Khon đã xây dựng mô hình “bản bình yên”, hứa hẹn một cuộc sống mới yên bình”, ông Giàng A Dế cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ