Triều Tiên khó thử hạt nhân trong tương lai gần

GD&TĐ - Không chỉ dọa phóng tên lửa vào lãnh thổ Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương, Triều Tiên thậm chí từng đe dọa sẽ thực hiện một vụ thử bom hydro trong khí quyển tại Thái Bình Dương. Các chuyên gia cho rằng, nếu “làm thật” thì Triều Tiên sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh và hậu quả khôn lường…

Triều Tiên khó thử hạt nhân trong tương lai gần

Chỉ là đe doạ?

Triều Tiên đe dọa thử bom hạt nhân sau phát biểu của Tổng thống Trump tại Đại hội đồng LHQ ngày 19/9 rằng Mỹ và liên minh đã sẵn sàng “phá huỷ hoàn toàn” Triều Tiên.

“Nếu Triều Tiên lắp một đầu đạn hạt nhân vào mũi tên lửa và phát nổ nó ở vùng khí quyển Thái Bình Dương thì đó sẽ là hành động khiêu khích nhất có thể của Triều Tiên để châm ngòi cho một cuộc chiến tranh” - theo Kelsey Davenport, Giám đốc chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, một tổ chức giải trừ hạt nhân có trụ sở tại Washington.

“Tôi không nghĩ Triều Tiên sẽ thực hiện bất kỳ hành động nào trong tháng tới hoặc thời gian gần sau đó” – Harry Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích quốc gia, cơ quan tư vấn được thành lập bởi cựu Tổng thống Richard Nixon, nhận định – “Lí do là thời điểm hiện tại Tổng thống Trump đang gây sức ép mạnh với Iran, và Triều Tiên đủ khôn ngoan để “né” vị trí điểm nóng quốc tế”.

Kazianis nói thêm: “Họ sẽ rất dại dột nếu làm bất cứ điều gì với Guam hay thử hạt nhân. Họ có thể đe dọa nhưng tôi không nghĩ họ sẽ bắn tên lửa hoặc thử hạt nhân trong tương lai gần”.

Theo một số chuyên gia phân tích, nếu lãnh đạo Triều Tiên thử bom hạt nhân trên Thái Bình Dương thì chẳng khác nào “tạo điều kiện” cho Tổng thống Mỹ đẩy nhanh việc thay đổi chế độ tại Bình Nhưỡng.

Thử hạt nhân -thảm kịch nhãn tiền

Mỹ đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân tại Thái Bình Dương từ 1946 cho tới 1962. Trong lần thử cuối cùng năm 1962, một quả bom có sức công phá 1,45 megaton (1 megaton bằng 1.000 tấn thuốc nổ TNT) nổ ở tầng cao khí quyển cách Honolulu 900 dặm. Vụ thử hạt nhân mạnh nhất mà Mỹ thực hiện là tại khu vực đảo Marshall năm 1954. Sức công phá tới 15 megaton, gấp khoảng 1.000 lần quả bom thả xuống Hiroshima. Bụi phóng xạ từ vụ nổ này bay xa 11.000 km.

Hồi tháng 9, Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân dưới lòng đất lần thứ 6, tạo ra địa chấn 6,1 độ richter. Ước tính sức công phá khoảng 250.000 kiloton (250.000 tấn TNT).

Đã vài thập kỉ qua thế giới không còn vụ nổ hạt nhân nào trong khí quyển. Có một lí do thế giới nỗ lực cấm nổ bom hạt nhân trong khí quyển trước khi thúc đẩy cấm hoàn toàn thử hạt nhân – đó là thử hạt nhân trong khí quyển gây hệ lụy lớn hơn nhiều so với thử trong lòng đất.

Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân giới hạn được kí năm 1963 giữa Mỹ, Xô viết và Anh - cấm thử hạt nhân trong khí quyển, dưới nước và ngoài không gian. Hơn 100 quốc gia kí hiệp ước nhưng không có tên Triều Tiên và Trung Quốc.

Các chuyên gia chỉ ra rằng sự phát tán bụi hạt nhân từ vụ nổ hạt nhân trong khí quyển của Triều Tiên sẽ phụ thuộc vào độ lớn thiết bị nổ, vị trí phát nổ, hướng gió và một số nhân tố môi trường khác. Dù vậy, có nguy cơ cao các hạt phóng xạ bay xa trong không khí và có thể đến tận Bờ Tây nước Mỹ.

Đó là chưa kể tác động trực tiếp ngay thời điểm phát nổ. Không rõ liệu Triều Tiên có phát đi cảnh báo trước khi thử hạt nhân trong khí quyển để giảm nguy hiểm cho máy bay và tàu bè hay không.

Trong các vụ thử tên lửa đạn đạo trước đây (tên lửa không mang đầu đạn hoặc mang đầu đạn thường) thì những sai sót kĩ thuật như chệch quỹ đạo rơi xuống khu dân cư đông đúc tại Nhật Bản - có thể hạn chế về mức độ thiệt hại. Nhưng nếu đó là một đầu đạn hạt nhân thì thực sự sẽ là tấn thảm kịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ