Triển lãm hồi cố đầu tiên cho họa sĩ Tú Duyên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tú Duyên - người khai sinh kỹ thuật và trường phái 'Thủ ấn họa', là một trong những tên tuổi quan trọng nhất của nền mỹ thuật nước nhà.

Phụ nữ mặc áo dài, nhạc cụ dân tộc và hoa luôn là chủ đề chính trong các sáng tác của họa sĩ Tú Duyên.
Phụ nữ mặc áo dài, nhạc cụ dân tộc và hoa luôn là chủ đề chính trong các sáng tác của họa sĩ Tú Duyên.

Tuy nhiên, cuộc đời và sự nghiệp của hoạ sĩ Tú Duyên vẫn chưa được nghiên cứu và ghi nhận xứng đáng.

Khai sinh kỹ thuật “Thủ ấn họa”

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ace Lê cho hay, triển lãm “Nhành hương xưa” sẽ diễn ra từ đầu tháng 3/2024 tại Annam Gallery (TPHCM). Đây là triển lãm hồi cố đầu tiên dành cho họa sĩ Tú Duyên, giới thiệu 18 tác phẩm trên giấy và lụa với chủ đề về phụ nữ và tĩnh vật.

Giới mộ điệu không chỉ được chiêm ngưỡng loạt tranh ứng dụng kỹ thuật “Thủ ấn họa” danh tiếng, mà đây còn là triển lãm để ghi nhận những sáng tạo tuyệt vời của cố họa sĩ Tú Duyên.

Tú Duyên (1915 - 2012) tên thật là Nguyễn Văn Duyến. Nghệ danh của ông đúng ra là Tứ Duyên, là cách đọc lái của chữ Duyến Tư – ghép giữa tên ông và tên người bạn học rất thân của ông – Đỗ Văn Tư, nhưng khách mua tranh của ông quen đọc thành Tú Duyên.

Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà nho tại cái nôi mỹ nghệ Việt Nam – làng cổ Bát Tràng. Chính nơi đây đã ảnh hưởng đến tâm hồn, tình cảm và định hình lối sáng tác rất riêng và độc đáo của Tú Duyên. Từ năm 1935 - 1938, ông thi đỗ và theo học lớp dự bị tại Trường Mỹ thuật Đông Dương. Đến năm 1939, ông phải gác lại việc học và cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống.

Họa sĩ Tú Duyên sinh năm 1915 tại Bát Tràng (Hà Nội).

Họa sĩ Tú Duyên sinh năm 1915 tại Bát Tràng (Hà Nội).

Năm 1942 là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp hội họa của Tú Duyên khi ông sáng tạo ra kỹ thuật “Thủ ấn họa” – một loại hình ấn mộc bản cải biên từ tranh khắc gỗ dân gian của Việt Nam, có sự khác biệt về công dụng và mang tính nghệ thuật cao.

Năm 1950, các tác phẩm “Thủ ấn họa” của ông bắt đầu được nâng cao về mặt chất lượng và độ tinh xảo. Triển lãm cá nhân đầu tiên về loạt tranh “Thủ ấn họa” của Tú Duyên ra mắt công chúng yêu nghệ thuật Sài Gòn vào tháng 3/1953 tại Nhà hát Lớn Sài Gòn.

Năm 1955, ông đã đoạt giải Nhất giải thưởng Mỹ thuật miền Nam với bức “Thủ ấn họa” về danh nhân lịch sử Trần Bình Trọng – “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”.

Cuối năm 1996, triển lãm cá nhân về loạt tranh “Thủ ấn họa” lần thứ 18 của Tú Duyên diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Năm 1997, ông được trao tặng Huy chương của Hội Mỹ thuật Việt Nam, và sau đó ông nhận Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam vào năm 1999.

Thế hệ của Tú Duyên thường hay lấy cảm hứng từ lịch sử, các nhân vật lịch sử hoặc mượn “chuyện xưa tích cũ” để định hướng cho sáng tác. Vì vậy mà những tác phẩm: Bóng người núi Lam (Lê Lợi), Thù cha con nhớ lo cho nước (Nguyễn Phi Khanh - Nguyễn Trãi), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn… trở thành những tác phẩm “đóng đinh” vào nền hội họa nước nhà.

Từ “Thủ ấn họa” Tú Duyên vẽ lụa vì lụa về căn bản là một chất liệu “nửa hội họa nửa đồ họa”. Tâm tính của ông gần với các nghệ sĩ dân gian, vẽ bằng trí tưởng tượng, bằng tình cảm, bằng kinh nghiệm, nhưng lại vô cùng sinh động và sâu sắc. Ông rất kiệm màu, gần như đơn sắc, vẽ hình cũng rất có duyên, khí mạnh và chính sự chân thật, thành ý đã tạo nên một phong cách nhìn là thấy ngay.

Hoa, phụ nữ và vẻ đẹp Việt

Theo nhà nghiên cứu Ace Lê, triển lãm “Nhành hương xưa” được lấy cảm hứng từ kỹ thuật ấn mộc bản kết hợp dùng bàn tay để pha và dàn màu cho tranh khắc, được Tú Duyên dày công nghiên cứu và sáng tạo với tên gọi “Thủ ấn họa” hơn 80 năm về trước.

“Nhành hương xưa” gợi cho người xem về một không gian xưa, nhẹ nhàng và thơ mộng với đối tượng thẩm mỹ là các loài hoa bên cạnh những người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp, thướt tha trong tà áo dài cùng nhạc cụ dân tộc.

Dù nhiều năm tháng đã trôi qua, nhưng màu tranh vẫn sống động và đủ sức lay động tâm trí, cảm xúc của người xem. “Thủ ấn họa” khi so sánh với tranh Đông Hồ hay tranh Hàng Trống – những dòng tranh ấn mộc bản dân gian Việt Nam, quả thật khác biệt và là một sự cách tân đầy tính sáng tạo của Tú Duyên.

Tú Duyên rất kiệm màu nhưng hình họa rất có khí chất và chân thật.

Tú Duyên rất kiệm màu nhưng hình họa rất có khí chất và chân thật.

Nếu tranh Đông Hồ cần mỗi bản in (bản dương) cho mỗi màu in và phải in chồng để phối màu và tranh Hàng Trống phải dùng bút lông tô nét đậm nhạt sau mỗi bản in khắc nháp, thì tranh khắc gỗ của Tú Duyên chỉ sử dụng duy nhất hai bản khắc: Bản âm (bản màu) khắc chìm với nét khắc sâu, đủ nét nhưng không đậm với chủ đích tạo phông nền và bản dương (bản nét) khắc nổi tạo độ đậm nhạt cho từng đường nét của tranh.

Đặc biệt, tuy chỉ dùng hai bản khắc nhưng họa sĩ có thể in được rất nhiều màu khác nhau. Tú Duyên không sử dụng con lăn để đi màu trên mặt khắc gỗ thấm vào lụa hoặc giấy, mà ông dùng đầu ngón tay và lòng bàn tay để pha và dàn màu cho tranh khắc.

Tùy theo tâm tư, không gian, đề tài diễn đạt mà họa sĩ chọn gam màu nóng - lạnh, rồi đặt lụa lên và dùng tay xoa, ấn, vuốt, đập để màu thấm vào, tạo nét dìu dịu, đạm nhạt theo chủ đích. Ông sẽ in bản âm trước rồi tới bản dương, mỗi bản khắc chỉ sử dụng vài lần rồi tiêu hủy.

Với “Nhành hương xưa”, hoa sen, hướng dương, loa kèn là những loài hoa yêu thích của Tú Duyên và xuất hiện thường trực trong tranh, với nét đẹp được miêu tả qua nhiều góc độ. Đó là những búp sen hồng chúm chím đang vươn mình chờ ngày nở rộ giữa ao, hay hoa hướng dương kiên cường đứng ngược gió.

Các loài hoa trên cũng chính là ẩn dụ cho vẻ đẹp và sự tao nhã, nét dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ khi Tú Duyên khéo léo ghép đôi hình ảnh hoa cùng người phụ nữ Việt xinh đẹp, duyên dáng. Trong nhiều khung cảnh khác nhau, họ như thả hồn qua những nhạc khúc, giai điệu xưa được tấu bởi đàn tranh, đàn nguyệt, hay đàn tỳ bà.

“Ngắm nhìn mỗi bức tranh của họa sĩ Tú Duyên, ta cảm tưởng như đang thưởng thức một bài thơ, một bản nhạc với bút pháp tinh tế, ngôn ngữ và hòa sắc mềm mại, dịu nhẹ. Chúng được sáng tác từ các chất liệu đời sống gần gũi, pha đôi chút sự mộng mơ, nên thơ cùng với góc nhìn nghiệm sinh theo thời gian. Tú Duyên đã để lại một dấu ấn nghệ thuật khó phai trong lòng giới mộ điệu nghệ thuật và các thế hệ họa sĩ sau này” - Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ace Lê.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.