Triển lãm lạ về tranh Van Gogh

GD&TĐ - Một triển lãm lạ, lạ ngay từ cái tên 'Van Gogh ở Sài Gòn' và sẽ còn lạ hơn khi loạt tranh phái sinh phong cách Van Gogh vẽ về Việt Nam.

Với phong cách pop-art, Trần Trung Lĩnh để Van Gogh sống với Sài Gòn theo cách sống đương đại.
Với phong cách pop-art, Trần Trung Lĩnh để Van Gogh sống với Sài Gòn theo cách sống đương đại.

Thực ra, không phải Van Gogh vẽ về Việt Nam, mà họa sĩ Việt dùng ngôn ngữ, bút pháp pop-art để đưa Van Gogh về đây, cùng ông dạo phố, sinh hoạt như người Sài Gòn.

Cảm hứng phái sinh từ Van Gogh

Họa sĩ Trần Trung Lĩnh sẽ bày khoảng 13 bức tranh trong triển lãm 'Van Gogh ở Sài Gòn'.

Họa sĩ Trần Trung Lĩnh sẽ bày khoảng 13 bức tranh trong triển lãm 'Van Gogh ở Sài Gòn'.

“Cảm giác chép tranh Van Gogh khi xưa bị mình ruồng bỏ bao nhiêu thì bây giờ lại sống động, gần gũi bấy nhiêu. Những gam màu cuồn cuộn tuôn chảy trở lại. Cũng những trang sách khi xưa, bây giờ là một mối liên hệ khác trong tâm tưởng khi cảm nhận tranh của Van Gogh. Màu cam, màu vàng đặc trưng đó, đặt cạnh màu xanh tím là một nỗi khắc khoải cao độ mà lúc sinh viên chẳng ai có thể chỉ cho mình thấy được, bởi nó là cảm giác, không phải bài học nào cả” - Trần Trung Lĩnh.

Ngày 5/5, họa sĩ Trần Trung Lĩnh bật mí về triển lãm cá nhân “Van Gogh ở Sài Gòn” sẽ bắt đầu mở cửa từ ngày 13/5 tại SiLart Station (139 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, Bình Thạnh - TPHCM).

Triển lãm này, Trần Trung Lĩnh cưỡng đoạt bảng màu của Van Gogh, đi đôi giày giống như Van Gogh, nhìn góc nhìn như Van Gogh… để nhìn về Sài Gòn theo phong cách pop-art.

Trong góc nhìn ấy, họa sĩ nhìn thấy những khuôn mặt ghi dấu ấn với Sài Gòn xưa, những huyền thoại để lại như Petrus Ký, như Cô Ba Sài Gòn, những phận đời mưu sinh và những tâm hồn nhạy cảm - họ hiện diện khắp nơi, cùng những góc phố, những lao xao của chính họa sĩ khi ký họa, khi ngồi uống cà phê một mình trong lòng thành phố.

Trần Trung Lĩnh theo đuổi phong cách pop-art với thủ pháp cưỡng đoạt đặc trưng. Pop-art vốn rất hiện đại, hợp thời và phá cách nhưng anh lại chịu ảnh hưởng nhiều của hội họa biểu hiện, chia sẻ với Van Gogh về cách bóp méo nhân vật.

Màu sắc cũng vậy, anh thường dùng những tông màu mạnh, vẽ với tốc độ nhanh để dồn nén cảm xúc. Thứ ảnh hưởng rõ rệt nhất của Van Gogh đối với Trần Trung Lĩnh là việc dùng các hình ảnh trong tranh của Van Gogh như là những pop-icon, cưỡng đoạt (impasto) để đưa vào một ngữ cảnh mới, hay một câu chuyện khác.

Van Gogh ngắm nhìn cuộc đời và cảm nhận rõ vẻ đẹp lung linh bằng tâm hồn nhạy cảm đến cùng cực và đắm chìm trong nỗi cô đơn. Ông diễn tả ra bằng những nhát cọ giằng xé, đắm chìm, bạo liệt.

Không ai là Van Gogh để thấu hiểu nỗi cô đơn đã đọa đày ông đến mức nào. Những gì đọng lại, là ý niệm cúi xuống thật thấp để được bay cao, là sự thấu cảm sẻ chia những nỗi đau của đồng loại.

Trần Trung Lĩnh lại dạo chơi, bay nhảy như một chú sơn dương trên núi đá. Chú sơn dương ấy cũng tách mình ra với số đông, cô độc theo cách riêng, đắm đuối về cái đẹp.

Cá tính hội họa của Trần Trung Lĩnh mạnh, từ biểu hiện cho tới trừu tượng, nhưng cá tính và dấu ấn lớn nhất mà anh tạo ra vẫn là pop-art với những cú cưỡng đoạt mạnh bạo cùng những ý tưởng rất đương đại.

Nếu như Van Gogh phóng chiếu góc nhìn từ tâm hồn mình rồi đưa khung cảnh xung quanh vào tranh, thì Trần Trung Lĩnh cũng dùng tâm hồn nhạy cảm của mình để nhìn nhận những mảnh đời xung quanh, ở Sài Gòn.

Nếu như Van Gogh khắc họa khung cảnh của những con người dung dị, bình thường nếu không muốn nói là nằm ở tầng thấp xã hội, thì Trần Trung Lĩnh bằng một sự cảm thông không cần cúi xuống, mà bằng sự kề vai thấu cảm với những mảnh đời.

Trần Trung Lĩnh từng làm điều đó với “Sài Gòn mùa dịch” - bộ tranh digital, làm bật sáng tính người trong cơn bĩ cực. Là một cú lẳng lặng chìa tay trao phần cơm hộp, là cha cõng con trong cuộc mưu sinh khốn khó.

Những hình ảnh được khắc họa, nó không đơn thuần tạo ra đồng cảm với sự xúc động giản đơn, mà khiến người ta suy ngẫm về sự cao đẹp của tính người dù xã hội có ra sao.

Đưa Van Gogh đến Sài Gòn

Một tác phẩm vẽ về những người lao động ở vỉa hè TPHCM.

Một tác phẩm vẽ về những người lao động ở vỉa hè TPHCM.

Trần Trung Lĩnh sinh năm 1977 tại Hội An (Quảng Nam), sau khi rời quê nhà vào học Đại học Mỹ thuật TPHCM thì chọn thành phố này để định cư. Anh kể, suốt quãng thời sinh viên là những tháng ngày chép lại tranh của các danh họa như một phần của mưu sinh, mang lại cảm giác chán ngấy và đáng ghét.

Trần Trung Lĩnh là một “trùm chép tranh Van Gogh” thời trước năm 2000, nhưng khi trưởng thành và rời bỏ chuyện chép tranh để sống với việc sáng tạo, lại vô tình thấy thời gian chép tranh là một kinh nghiệm quý báu.

Gần như là một phương thức lặp lại hành động của các bậc thầy, tất nhiên trong chừng mực kỹ thuật nào đó, nó sẽ bổ sung cho quãng đường sáng tác về sau. Để bây giờ lấy cảm hứng sáng tạo nên câu chuyện “Van Gogh ở Sài Gòn” với 13 tranh được tuyển lựa trong các sáng tác gần đây.

Qua một vài triển lãm trong nước, tại quê nhà cũng như ở Bali (Indonesia), Trần Trung Lĩnh bắt đầu chuyển xu hướng sang trào lưu hội họa pop-art. Vẽ đến năm 2013, anh tạm dừng hoạt động triển lãm để dành thời gian cho những dự án dài hơi, vẽ những bộ tranh 7 - 8 năm mới hoàn thành.

Anh cũng dành nhiều thời gian hơn cho điện ảnh với nhiều vai trò khác nhau, từ họa sĩ thiết kế cho đến đạo diễn, viết kịch bản… Với anh, một nghệ sĩ đa phương diện/tiện không thể chỉ là chơi lướt qua, mà với mỗi hình thái, thể loại, nghệ sĩ phải học, phải nhuần nhuyễn các thao tác kỹ thuật thì sáng tác mới có độ sâu.

Trên thế giới, đã - đang và sẽ còn có nhiều triển lãm lấy cảm hứng từ tác phẩm hoặc cuộc đời của danh họa Van Gogh. Dù tại thế chỉ 37 năm, nhưng trong khoảng một thập niên cuối, danh họa đã sáng tác hơn 2.100 tác phẩm. Trong đó có khoảng 860 tranh sơn dầu, hầu hết được vẽ trong 2 năm cuối đời.

Van Gogh đã sống một cuộc đời âm thầm mà vĩ đại. Có thể khi sống, ông chưa từng nghe, từng biết về Sài Gòn - để rồi hiện tại, những thứ gây dấu ấn lại nằm chính trong sự đồng điệu của hai tâm hồn đau đáu về hội họa.

Sự đồng cảm với Van Gogh khiến Trần Trung Lĩnh bày ra như thể để Van Gogh đến với Sài Gòn - để Sài Gòn thấy được Van Gogh. Nhưng cao hơn, đó là sự tạo dựng cái đẹp trong tâm hồn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.