Họa sĩ Trần Hải Minh từng nhận học bổng du học Đức từ năm 1987 và tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Berlin vào năm 1993. Ông ở lại đến năm 1997 mới chính thức về nước.
Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng, thời gian Trần Hải Minh học và ở lại Đức là khoảng thời gian đặc biệt ý nghĩa. Đó là khoảng thời gian giải phóng nhiệt tình sáng tạo nơi mỗi cá nhân sinh sống ở Đức - nhất là với các nhà văn và nghệ sĩ.
Trong bối cảnh đó, Trần Hải Minh có cơ hội tiếp xúc với tinh thần nghệ thuật của những Joseph Beuys, Anselm Kiefer, Ernst Wilhelm Nay, Emil Schumacher. Nhờ “căn cơ ngộ tính” đã mở rộng nơi ông một quan niệm khác về đối tượng nghệ thuật, về lý tưởng thẩm mỹ và hình thành một trạng thái sáng tác khác.
Năm 1995, Trần Hải Minh triển lãm tranh cá nhân lần đầu tiên trong nước tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm này được xem là “triển lãm biểu hiện trừu tượng đầu tiên” ở Việt Nam bởi một họa sĩ người Việt. Trong mắt của một số họa sĩ tài danh lúc bấy giờ như Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Lưu Hậu - những người nhạy cảm và có cái nhìn nghệ thuật cởi mở thì Trần Hải Minh là một nghệ sĩ tiên phong.
Giới hội họa đặc biệt yêu thích các tác phẩm giai đoạn này của ông, nhất là những tác phẩm, như: Bình minh màu vàng, Đại dương xanh thẳm. Tác phẩm đạt đến sự tinh lọc về hình thức và giàu tính biểu cảm. Chính khi đối diện với những bức tranh này, giới phê bình thầm nghĩ Trần Hải Minh là họa sĩ duy nhất ở Việt Nam có được lối tư duy trừu tượng trong hội họa, rồi sẽ còn “đi rất xa”.
Tuy nhiên sau đó, Trần Hải Minh rơi vào tình trạng khủng hoảng. Hơn 10 năm trời, từ 2007 ông gần như “không kết thúc được” bức tranh nào, không vẽ thêm được gì mới. Mãi đến cuối năm 2021, ông mới vẽ lại và chuẩn bị cho triển lãm.
Trần Hải Minh đã hoà giải được với chính mình, nhưng trước câu chuyện nghệ thuật, vui hơn bởi dường như ông đã qua những khó khăn và cô đơn cùng cực để khai thông được nguồn năng lượng sáng tạo vốn giàu có ẩn sâu trong mình.
Trong vòng chưa tới 2 năm, Trần Hải Minh đã chuẩn bị cho triển lãm cá nhân lần thứ ba với những bức tranh biểu hiện trừu tượng ngày càng triệt để, với phong cách riêng. Mỗi bức tranh mới đều là một tâm cảnh - một loại phong cảnh tinh thần đầy xao động và biến động, với bút pháp mạnh mẽ, lưu loát biến ảo hiếm thấy.
“Tranh biểu hiện trừu tượng của Trần Hải Minh, là những thực tại tinh thần của “một nhân loại cụ thể”, để thấu cảm người ta cần phải mở lòng, mà trước hết, cần giải trừ các thành kiến, định kiến về nghệ thuật thường vốn mai phục nơi mình”, nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng nhận định.