Triển khai trước dịch vụ công trực tuyến sử dụng thường xuyên

GD&TĐ - Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm các nước có dịch vụ công trực tuyến phát triển như Pháp, Singapore, các bộ, cơ quan nhất là các bộ thuộc 6 lĩnh vực trọng điểm (giáo dục, y tế, tài chính, phúc lợi xã hội, lao động, môi trường) lựa chọn một số dịch vụ công trực tuyến đơn giản, có thể triển khai ngay, dịch vụ được người dân sử dụng thường xuyên và dịch vụ có thu phí để tiến hành thực hiện trước.

Triển khai trước dịch vụ công trực tuyến sử dụng thường xuyên

Đồng thời phối hợp, hỗ trợ một số địa phương có điều kiện thuận lợi nhằm triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến một cách đồng bộ. Qua đó tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn quốc.

Đó là nội dung trong Thông báo 82/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị về Chỉ số Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.

Thông báo nêu rõ, để nâng cao chỉ số xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương quyết liệt chỉ đạo, khẩn trương khắc phục tồn tại, bất cập, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 36a và các văn bản liên quan về Chính phủ điện tử.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nên thúc đẩy thuê dịch vụ công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công trực tuyến trước hết là các dịch vụ có thu phí.

Các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thống nhất đầu mối, giao các đơn vị chức năng trực thuộc làm rõ các số liệu cần cung cấp cho các tổ chức quốc tế (UNDP, ITU, UNESCO…) và Liên hợp quốc; định kỳ hàng quý phối hợp nhằm bảo đảm tính chính xác, đồng bộ của số liệu giữa các cơ quan trước khi bộ chủ trì cung cấp cho các tổ chức quốc tế nêu trên, đồng thời cập nhật cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành mình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương phối hợp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các bộ, cơ quan liên quan bổ sung, cập nhật các số liệu còn thiếu trong chỉ số Hạ tầng nhân lực, bảo đảm tính thống nhất trước khi cung cấp cho tổ chức quốc tế liên quan.

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm chủ trì, đầu mối về cải thiện thứ hạng chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam trong Bảng xếp hạng của Liên hiệp quốc. Định kỳ hằng quý, hằng năm có Báo cáo chuyên đề về tình hình, kết quả cải thiện các chỉ số, chỉ tiêu về Chính phủ điện tử gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong các Phiên họp thường kỳ.

Bên cạnh đó, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thống nhất cách cung cấp thông tin và những vấn đề liên quan nhằm nâng cao xếp hạng chỉ số Chính phủ điện tử; khẩn trương cập nhật các số liệu mới nhất liên quan Chỉ số hạ tầng viễn thông, cung cấp cho tổ chức quốc tế có liên quan.

Đồng thời, phối hợp với các hiệp hội, hội thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu đánh giá xếp hạng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế (Hội tin học Việt Nam: Báo cáo Vietnam ICT Index; Hiệp hội an toàn thông tin: Báo cáo đánh giá an toàn thông tin;…); phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Tư pháp đề xuất đồng bộ các cơ chế, chính sách, thực hiện hiệu quả việc gắn kết giữa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử với cải cách bộ máy hành chính, cải cách thủ tục hành chính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.