Phát huy những lợi điểm
TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện nay công tác tổ chức thực hiện thí điểm học bạ số cấp tiểu học đã và đang được toàn ngành triển khai thực hiện theo đúng lộ trình.
Thành viên Ban chỉ đạo triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học đã chủ động phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng tài liệu đặc tả kỹ thuật về học bạ số và tham mưu ban hành Công văn số 1396/BGDĐT-GDTH ngày 27/3 để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện thí điểm học bạ số theo mô hình và trách nhiệm của các cấp.
Nhằm hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 1525/BGDĐT-GDTH ngày 3/4 về việc kiểm tra công tác triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học.
TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học báo cáo tại hội nghị. |
Ngày 8/5, Vụ Giáo dục Tiểu học tiếp tục phối hợp với Cục Công nghệ thông tin tham mưu lãnh đạo Bộ GD&ĐT ban hành công văn số 2088/BGDĐT-GDTH về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ thí điểm học bạ số.
TS Thái Văn Tài cũng cho biết, về cơ bản, các Sở GD&ĐT đã triển khai xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số, tổ chức hội nghị triển khai, phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ học bạ số xây dựng kế hoạch tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở giáo dục.
Nhiều địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Ban chỉ đạo thí điểm học bạ số; ban hành kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể và tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có khả năng cung ứng dịch vụ hạ tầng để sẵn sàng thực hiện học bạ số.
Một số nhà cung cấp dịch vụ đã sẵn sàng trong việc triển khai quản lý học bạ số cho các địa phương. Các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đã xây dựng xong chuẩn đặc tả kỹ thuật về file học bạ số, chuẩn kết nối dữ liệu và cơ sở dữ liệu lưu trữ học bạ số; sẵn sàng tiếp nhận dữ liệu học bạ từ các địa phương.
Dự thảo khung đề cương thông tư quy định về học bạ số được triển khai, với mục đích thay thế việc sử dụng học bạ giấy tại cơ sở giáo dục phổ thông, giúp cơ sở giáo dục phổ thông trong việc quản lý, sao lưu, lưu trữ học bạ; phát triển năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành;
Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục; giúp giảm áp lực hồ sơ, sổ sách cho giáo viên; giúp tăng tính minh bạch, bảo mật trong công tác quản lý và giúp các tổ chức xã hội nắm thông tin một cách khách quan, phát huy nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục.
Những nhiệm vụ cần triển khai
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận hội nghị. |
Tại cuộc họp đã ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của thành viên Ban chỉ đạo nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban chỉ đạo triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học nhấn mạnh, triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học được thực hiện trong bối cảnh với thời gian ngắn, đây là công việc hết sức quan trọng, tác động tới những đối tượng rất rộng, là giáo viên, học sinh ở các đặc điểm vùng miền khác nhau.
Vì thế, công tác thí điểm cần vừa làm, vừa nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, vừa rút kinh nghiệm và kịp thời điều chỉnh, ngay cả trong quá trình thí điểm, những địa phương nào tốt thì cần nhân rộng để làm tốt hơn nữa.
Quan điểm của Ban chỉ đạo là đảm bảo tính thận trọng, bám sát mục tiêu, yêu cầu của học bạ số theo quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ngoài ra, cũng cần phục vụ đặc điểm của ngành Giáo dục trong quản lý kết quả của người học, quản lý công tác dạy học của nhà trường. Cần có những quy định cho hợp lý, lấy sự ổn định và phù hợp với chuyển đổi số làm trọng tâm. Không quá khắt khe, gây quá tải, sức ép cho giáo viên và nhà trường.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu Ban chỉ đạo cần làm việc cẩn trọng, kỹ lưỡng trong triển khai công việc. Đồng thời, cần thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, làm sao để thí điểm đơn giản, hiệu quả, tức là ít tốn kém nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu đề ra.
"Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo tiếp tục có các khảo sát, nắm bắt tình hình thực hiện ở các địa phương, đề nghị địa phương quan tâm, chỉ đạo, báo cáo, thực hiện tốt việc thí điểm Học bạ số cấp tiểu học. Đồng thời, công tác truyền thông cần hay hơn, rõ ràng hơn, lan tỏa những mô hình đã làm tốt, giúp lan truyền nhận thức đúng đắn và hiệu quả về học bạ số cấp Tiểu học", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh thêm.