Triển khai học bạ số cần đồng bộ hạ tầng kỹ thuật

GD&TĐ - Ngoài sự ưu việt mà học bạ số mang lại, các trường cần tính toán để đảm bảo yếu tố an toàn cũng như bảo mật thông tin của giáo viên, học sinh.

Học bạ số giúp giáo viên giảm nhiều đầu việc. Ảnh minh họa: INT
Học bạ số giúp giáo viên giảm nhiều đầu việc. Ảnh minh họa: INT

Đi tắt đón đầu

Theo lộ trình, từ tháng 4/2024, Hà Nội thí điểm học bạ số cho các trường tiểu học ở các khối 1, 2, 3, 4; tháng 5 triển khai ở cấp trung học gồm khối 6, 7, 8, 10 và 11. Việc này nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng học bạ số, làm cơ sở để triển khai học bạ số thống nhất trên địa bàn thành phố.

Đánh giá cao chủ trương này của thành phố, thầy Nguyễn Kỳ Nam – Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức B (huyện Hoài Đức) cho rằng, học bạ số được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có chữ ký điện tử xác thực của giáo viên, hiệu trưởng. Học bạ số có giá trị pháp lý như học bạ giấy; sử dụng thay thế học bạ giấy trong các thủ tục hành chính liên quan. Nhờ đó góp phần tiết giảm thời gian, công sức đi lại của phụ huynh, học sinh trong nhiều hoạt động.

“Khi sử dụng học bạ số, học sinh, phụ huynh và các trường học được cấp quyền truy cập sẽ tra cứu toàn bộ quá trình học tập. Cổng tra cứu học bạ số trực tuyến cũng cho phép xuất ra bản mềm, có thể in theo mẫu học bạ quy định của Bộ GD&ĐT để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể. Nhà trường đang đăng ký chữ ký số cho gần 100 cán bộ, giáo viên để sẵn sàng triển khai mô hình học bạ số”, thầy Kỳ Nam nhấn mạnh.

Tương tự, cô Trần Thị Bích Hợp – Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa) thông tin, nhà trường đang gửi thông tin cho Ban Cơ yếu Chính phủ hoàn tất các thủ tục cấp chữ ký số cho giáo viên. Việc này nhằm thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đây là bước tiến phù hợp trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển. Khi thực hiện học bạ số, cả người quản lý lẫn giáo viên sẽ được hỗ trợ đắc lực.

Là Trưởng bộ môn Địa lý tại Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), cô Trương Thị Ngọc Hà tâm đắc với các tính năng ưu việt, đi tắt đón đầu của học bạ số. Hiện, Trường THPT Phan Đình Phùng in học bạ và giáo viên bộ môn chỉ việc ký nên nhàn hơn so với trước đây (chép bằng tay). Nay có học bạ số và chữ ký điện tử, giáo viên đỡ được nhiều đầu việc. Điển hình, nếu không may bị thiếu chữ ký trong học bạ, giáo viên vẫn có thể bổ sung mà không cần phải đến trường.

“Dù vậy, khi nghe đến từ “điện tử” hay “chữ ký số”, tâm lý nhiều giáo viên lại có phần e ngại vì nghĩ phải biết công nghệ, sử dụng máy móc phức tạp; nhiều thầy cô không rành về công nghệ thông tin lo sẽ không biết làm. Nhưng xã hội ngày càng phát triển, phải tự động hóa, đây là xu thế tất yếu nên giáo viên phải tự mình vận động để thích nghi”, cô Trương Thị Ngọc Hà tâm sự.

Từ tháng 4/2024, học bạ số sẽ được thí điểm ở các trường tiểu học tại Hà Nội. Ảnh: TG

Từ tháng 4/2024, học bạ số sẽ được thí điểm ở các trường tiểu học tại Hà Nội. Ảnh: TG

Thúc đẩy chuyển đổi số

Đóng chân ở vùng xa của Thủ đô, thầy Vũ Văn Hải – Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) chia sẻ, nhà trường không vướng mắc gì bởi đang sử dụng sổ điểm điện tử, đầy đủ hạ tầng công nghệ thông tin như máy tính kết nối Internet, điện thoại thông minh. 100% cán bộ, giáo viên được trang bị chữ ký số.

Tuy nhiên, thầy Hải cũng đề cập một số khó khăn khi triển khai học bạ số. Nhiều gia đình chưa có máy tính, điện thoại thông minh kết nối Internet, trình độ, nhận thức hạn chế. Song đây là chủ trương đúng đắn, hợp lý, giúp giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tiện lợi cho người dân và nhà trường, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Giáo dục nên đa phần giáo viên hưởng ứng.

Thuộc tốp các trường định hướng chất lượng cao của Thủ đô, cô Lê Thị Thu Hường – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) nhấn mạnh, đơn vị có nhiều thuận lợi để áp dụng thí điểm học bạ số theo chủ trương của thành phố, sở GD&ĐT. Trường đã thành lập Tổ công tác học bạ số tại đơn vị, chọn giáo viên có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số làm nòng cốt để triển khai thí điểm học bạ số.

Ngoài ra, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh về lợi ích, ý nghĩa của học bạ số. Xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số, phân công nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm từng cá nhân. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện thí điểm như: Máy vi tính kết nối mạng Internet; phần mềm quản lý nhà trường để có thông tin, dữ liệu về giáo viên, học sinh, kết quả học tập; chữ ký số để giáo viên, ban giám hiệu ký và đóng dấu học bạ; nhân sự để quản trị, sử dụng phần mềm học bạ số.

Với khoảng 1.400 học sinh, Trường Tiểu học Vân Canh (huyện Hoài Đức) là một trong số trường tiên phong của huyện áp dụng công nghệ vào công tác quản lý, giảng dạy. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiền Lương cho hay, sử dụng học bạ số, công việc của giáo viên đỡ vất vả hơn. Muốn làm được điều này, học bạ số phải được đồng bộ với cơ sở hạ tầng kỹ thuật để liên thông các dữ liệu. Mỗi trường phải mời chuyên gia về tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho giáo viên.

“Khi áp dụng học bạ số, nhiều thầy cô băn khoăn về tính pháp lý. Tính bảo mật của chữ ký số cũng như an toàn thông tin cần tính toán kỹ. Để giảm bớt khó khăn khi triển khai, chúng ta phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tâm thế giáo viên và năng lực thích ứng của xã hội”, cô Hiền Lương trao đổi thêm.

Học bạ số được tạo lập từ cơ sở dữ liệu của phần mềm quản lý trường học, đảm bảo cấu trúc theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; có chữ ký số của người đứng đầu cơ sở giáo dục để xác thực giao dịch điện tử và sẵn sàng kết nối với cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ĐT phục vụ quản lý và khai thác sử dụng rộng rãi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ