Hà Nội thực hiện lộ trình sử dụng học bạ số thay thế học bạ giấy

GD&TĐ - Hà Nội triển khai thí điểm học bạ số ở các trường phổ thông, thực hiện lộ trình sử dụng học bạ số thay thế học bạ giấy từ tháng 4/2024.

Ngành GD-ĐT Hà Nội đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số.
Ngành GD-ĐT Hà Nội đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số.

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số ở các trường phổ thông trên địa bàn. Mục đích của kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số ở các trường phổ thông nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng học bạ số làm cơ sở để triển khai học bạ số thống nhất trên địa bàn thành phố.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nội dung thí điểm phải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, yêu cầu chức năng, kĩ thuật theo quy định, sẵn sàng kết nối với hệ thống quản lý thông tin của Bộ GD&ĐT.

Giải pháp phần mềm học bạ số phải bảo đảm tính kế thừa, khả thi, an toàn, đồng bộ và liên thông, tiết kiệm, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý. Sử dụng học bạ số thay thế học bạ giấy truyền thống trong thực hiện các thủ tục hành chính có sử dụng học bạ.

Sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục tham gia thí điểm phải bảo đảm các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai học bạ số.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ tham gia thực hiện thí điểm học bạ số phải có chức năng, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, có đủ năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ học bạ số, cam kết cung cấp dịch vụ ổn định, an toàn khi triển khai phương án, giải pháp kỹ thuật về Học bạ số.

Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện thí điểm đối với các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 4, lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10, lớp 11 năm học 2023 -2024. Phạm vi thí điểm là các cơ sở giáo dục bảo đảm các yêu cầu về hạ tầng kĩ thuật, chủ động về nhân lực, nguồn lực để thực hiện các giải pháp, nội dung, yêu cầu đối với học bạ số.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc triển khai học bạ số có nhiều thuận lợi vì hiện nay, 100% thông tin học sinh phổ thông đã được cấp mã số trên cơ sở dữ liệu GD-ĐT, được xác thực định danh với dữ liệu dân cư; 100% trường tiểu học đã trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ để vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo.

100% cơ sở giáo dục đã sử dụng phần mềm quản lý giáo dục chuyên ngành kết nối với cơ sở dữ liệu GD&ĐT tại https://csdl.moet.gov.vn (do Bộ GD&ĐT quản lý) để quản lý hồ sơ học sinh, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, trích ngang hồ sơ giáo viên đáp ứng tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”, xác thực định danh công dân điện tử của cơ sở dữ liệu dân cư.

Cùng với đó, 100% hồ sơ học sinh đã được gắn mã số định danh duy nhất; 100% giáo viên, nhân viên các trường học đều có kinh nghiệm, trình độ CNTT để có thể tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành; 100% hồ sơ tuyển sinh các lớp Mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 được quản lý bằng hồ sơ số; 100% quy trình, thủ tục tuyển sinh các cấp được thực hiện trên môi trường số.

Từ đầu tháng 10/2023, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trang bị chữ ký số cá nhân cho 100% cán bộ, giáo viên để sẵn sàng triển khai học bạ số, hồ sơ chuyên môn số. Tính đến 15/3/2024, đã có 45,1% giáo viên, nhân viên ở các trường phổ thông đã được trang bị ký số cá nhân với tổng số lượng 37.509 ký số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ