Chỉ đạo trên được nêu trong Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo trực tuyến với: Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh
Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Tổ thông tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia và các Bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo các địa phương triển khai sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân khai báo y tế đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân.
Triển khai tổng đài gọi điện tự động (Robot) để tăng cường nắm bắt các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ giúp công tác xét nghiệm sàng lọc nhanh, hiệu quả hơn.
Bộ Y tế khẩn trương rà soát lại hướng dẫn xét nghiệm đối với người nhập cảnh đã tiêm vaccine, xét nghiệm có kháng thể,… để rút ngắn thời gian cách ly tập trung.
Khẩn trương triển khai phương án chủ động mua sắm sinh phẩm xét nghiệm không để thiếu sinh phẩm trong trường hợp dịch bệnh xảy ra ở nhiều địa phương cần số lượng lớn, đồng thời tiết kiệm ngân sách nhà nước thông qua mua sắm tập trung; có hướng dẫn ưu tiên đối với nhóm khai báo y tế bắt buộc (những người tiếp xúc nhiều người như ngân hàng, dịch vụ hàng không, làm việc trong môi trường kín,…) làm cơ sở ưu tiên tiêm vaccine.
Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương nêu một số nhóm nhiệm vụ khoa học để hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu các công nghệ mới phục vụ xét nghiệm.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Tổ phân tích thông tin của Ban chỉ đạo Quốc gia phối hợp, quy tụ các doanh nghiệp, nhóm chuyên gia khẩn trương hoàn thiện các ứng dụng, phần mềm, giải pháp công nghệ để trợ giúp có hiệu quả nhiệm vụ khai báo y tế, quản lý người cách ly, truy vết, quản lý người ra vào bệnh viện, xét nghiệm, quản lý người tiêm vaccine,…; hoàn thiện công cụ bản đồ an toàn COVID để các địa phương, doanh nghiệp, người dân tra cứu, tham gia cập nhật thuận lợi.
Bộ Y tế rà soát lại các chỉ đạo về việc cài đặt, sử dụng các phần mềm phục vụ chống dịch đảm bảo đúng pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân.
Thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng robot gọi điện truy vết COVID-19
Từ chiều 5/6 đến nay, nhiều người dân sinh sống tại TPHCM đã nhận được cuộc gọi từ số 18001119 hoặc 018001119. Do chưa có nhiều thông tin về số máy này, nhiều người tỏ ra e ngại không bắt máy, có người nghe nhưng cung cấp thông tin cầm chừng vì đề phòng tình trạng lừa đảo qua mạng.
Sáng 6/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) xác nhận đây là số máy của robot đang cập nhật dữ liệu sức khỏe cộng đồng. Việc người dân tại TPHCM nhận được cuộc gọi từ tổng đài này là hoàn toàn bình thường.
Trường hợp có yếu tố dịch tễ, đang trong vùng dịch hay không đều có thể nhận được cuộc gọi từ tổng đài miễn phí 18001119. Người dân nên bắt máy và làm theo hướng dẫn để ngành y tế có dữ liệu đầy đủ.
Về cơ chế hoạt động, HCDC cho biết robot truy vết Covid-19 là tổng đài viên ảo, có khả năng trò chuyện với người gọi để hiểu và giải quyết vấn đề tự động. Công nghệ này đang được các doanh nghiệp viễn thông di động hỗ trợ 2 địa phương Bắc Giang, Bắc Ninh. Cuộc gọi sẽ được hiển thị bằng nhiều tên khác nhau gồm BCĐ COVID-19, BCĐ COVID-313158, 18001119, 018001119.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị chỉ đạo thực hiện, ngoài việc nhận được các cuộc gọi phục vụ công tác truy vết, người dân có thể gọi đến đầu số trên để khai báo y tế. Người gọi sẽ được các tổng đài viên, tình nguyện viên hướng dẫn lựa chọn hình thức khai báo phù hợp, tất cả cuộc gọi đều được miễn cước.
Việc sử dụng robot gọi điện truy vết tại TPHCM được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập tại buổi họp khẩn với Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố chiều 2/6.