Kịp thời và nhân văn
- Thưa Thứ trưởng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 có ý nghĩa thế nào đối với hệ thống các trường học bị tổn thương sau dịch?
- 2 năm qua, ngành Giáo dục chịu nhiều ảnh hưởng, thiệt hại do Covid-19; trong đó nặng nề nhất phải kể đến các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.
Nhiều cơ sở phải ngừng hoạt động trong thời gian dài, cơ sở vật chất bị xuống cấp, đồ dùng, đồ chơi bị hư hỏng nhưng không có kinh phí để tu sửa, mua sắm đồ dùng đồ chơi, không đủ nguồn lực và điều kiện để tiếp tục vận hành, duy trì hoạt động.
Giáo dục mầm non ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ đứt gẫy, nhiều trẻ em mầm non có nguy cơ không được đến trường vì sự đứt gãy này. Để tháo gỡ khó khăn của các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có gói tín dụng ưu đãi 1.400 tỷ đồng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất một tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch để phục hồi hoạt động dạy và học sau đại dịch Covid-19.
Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng được ban hành rất kịp thời và hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, giúp các cơ sở khôi phục hoạt động, thích ứng với tình hình dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay - khi các cơ sở giáo dục mầm non trên toàn quốc đã tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trực tiếp, góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non.
- Thưa Thứ trưởng, sau khi Quyết định được ban hành, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai như thế nào? Hiện nay nhiều cơ sở đang mong chờ để có được các thủ nhanh chóng, thuận lợi?
- Gói 1.400 tỷ sẽ được triển khai cho vay tới các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, gồm: nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục; nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục; trường tiểu học tư thục theo quy định của pháp luật.
Mức vốn cho vay tối đa 80 triệu đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng đối với trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục.
Về thủ tục vay vốn, với mức vay dưới 100 triệu không cần tài sản đảm bảo. Với mức vay từ 100 đến 200 triệu thì cần tài sản đảm bảo, Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn cụ thể về tài sản đảm bảo này. Thủ tục vay vốn đơn giản, UBND cấp xã xác nhận. Khi nhận được hồ sơ từ 5-7 ngày sẽ được giải quyết chho vay vốn.
Nguồn vốn vay dùng để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19; mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở giáo dục
- Một số trường cho rằng, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề thủ tục hành chính, giấy tờ để các trường được vay vốn. Bộ GD&ĐT có kiến nghị gì với các bên liên quan để những thủ tục hành chính này sẽ thực sự nhanh chóng, thuận lợi cho người vay vốn?
- Trong quá trình tham mưu xây dựng Quyết định này, Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội để hướng dẫn trình tự, thủ tục theo hướng giảm thiểu tối đa về thủ tục hành chính để các cơ sở giáo dục thuận lợi khi tiếp cận với chính sách.
Ngay tại Quyết định cũng đã có những mẫu biểu rất cụ thể để các cơ sở giáo dục kê khai, thực hiện. Để xác định đủ điều kiện vay vốn các cơ sở giáo dục chỉ cần đến UBND cấp xã (nơi cơ sở giáo dục đăng ký thành lập) để xác nhận thời gian ngừng hoạt động theo yêu cầu phòng chống dịch.
Trong thời hạn 5 ngày đến 10 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ của cơ sở giáo dục, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phê duyệt cho vay. Đối với mức vay đến 100 triệu đồng, các cơ sở giáo dục không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Đối với số tiền vay trên 100 triệu đồng, sẽ thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của Ngân hàng chính sách xã hội.
Để chính sách hỗ trợ đến với cơ sở giáo dục kịp thời, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND cấp xã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở giáo dục trong quá trình xác nhận điều kiện vay vốn theo quy định tại Quyết định.
Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn hồ sơ, quy trình và thủ tục cho vay đối với các đối tượng vay vốn theo quy định, đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện Quyết định này.
- Thời gian tới, Bộ GDĐT dự kiến sẽ có thêm những chính sách nào nữa để hỗ trợ nhóm các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thưa Thứ trưởng?
Cùng với chính sách về nguồn vốn vay ưu đãi để hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, Bộ GD&ĐT cũng đang phối hợp cùng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thêm chính sách hỗ trợ cho giáo viên đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập chưa được hưởng chính sách hỗ trợ.
Mức dự kiến tham mưu là hỗ trợ 3,7 triệu đồng/giáo viên. Dịch bệnh Covid-19 trong hơn 2 năm qua đã gây ảnh hưởng rất nặng nề tới ngành Giáo dục. Theo thống kê có khoảng gần 104.000 giáo viên thuộc cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, riêng bậc mầm non là gần 102.000 giáo viên.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!