Triển khai Chương trình mới ở Điện Biên: Chuyển biến tích cực ở vùng khó

GD&TĐ - Nhìn những học trò người Hà Nhì, người Mông… tự tin, chủ động trong hoạt động học tập, cô Bùi Thị Huê lại thêm phấn khởi.

Học sinh lớp 1A1, Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Chung Chải (huyện Mường Nhé) tự tin hơn khi học theo Chương trình GDPT mới.
Học sinh lớp 1A1, Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Chung Chải (huyện Mường Nhé) tự tin hơn khi học theo Chương trình GDPT mới.

Bỏ lại đằng sau những hoài nghi, lo ngại bước đầu khi triển khai Chương trình GDPT mới, cô Huê đã đặt niềm tin nhiều hơn vào những lứa học trò mới nơi biên giới…

Rút ngắn “chênh lệch” trong nhận thức

Gần 10 năm gắn bó với giáo dục Mường Nhé, nên cô Bùi Thị Huê, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Chung Chải thấu hiểu những hạn chế căn cơ của học sinh ở đây. Cô bảo: “Do ít giao tiếp với người ngoài, nên bọn trẻ thiếu đi sự tự tin. Càng thiếu tự tin, chúng càng khó bắt nhịp được với chương trình học. Điều này tạo nên những chênh lệch rõ rệt về nhận thức của học sinh giữa các vùng miền”.

Cô bé người Hà Nhì có tên Toán Thị Tuyết Mai là một ví dụ điển hình được cô Huê nhắc đến. Mai sinh ra và lớn lên tại một bản giáp biên nên từ nhỏ đến lớn gần như không được tiếp xúc với người lạ. Ngày đầu cô Huê đón Mai vào lớp 1, em rụt rè, không giao tiếp với mọi người xung quanh. Những câu hỏi cô Huê đưa ra, Mai đều cúi gằm mặt rồi lắc đầu.

“Đa phần bọn trẻ ở đây đều nhút nhát, rụt rè thế. Riêng cô bé Mai thì lại thêm tính ít nói nên càng khó tiếp cận. Thế nhưng, chỉ sau chừng 2 tháng thì em đã dần cởi mở, dám giơ tay phát biểu, đưa ra ý kiến cá nhân trong giờ học. Cho đến giờ Mai có thể đọc, viết, làm phép tính tốt. Đặc biệt là em tự tin thể hiện bản thân, bộc lộ một số tố chất trong học tập và hoạt động bề nổi”, cô Huê cho hay.

Lý giải cho sự thay đổi này, cô Huê cho rằng, đó là nhờ phương pháp mở trong tổ chức dạy học theo chương trình mới. Không như trước đây, đa phần việc truyền thụ kiến thức chỉ theo một chiều, giờ mỗi tiết học đều đòi hỏi sự tương tác của học sinh. Những giờ học trở nên sôi nổi hơn. Mỗi học sinh đều cảm nhận được vai trò của mình trong lớp, tự do thể hiện mình. Từ đó, giáo viên nắm rõ điểm mạnh, yếu của từng em để kịp thời phát huy hoặc điều chỉnh.

Mỗi thầy, cô giáo đều phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu mới.
Mỗi thầy, cô giáo đều phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu mới.

Lớp 1A1 do cô Huê chủ nhiệm năm nay có 17 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào Hà Nhì và Mông. Cô Huê kể, đa phần các em khi mới vào trường đều chưa thành thạo tiếng Việt, nên ngay cả việc giao tiếp giữa cô và trò còn khó. Nếu như vẫn tổ chức dạy học theo phương pháp cũ, thì rất khó để tạo nên sự thay đổi. Học sinh thiếu tự tin lại càng “co mình” hơn. Song với chương trình mới, phương pháp mới, những điểm yếu này đều được giải quyết trong khoảng 2 tháng đầu.

“Sau khi các em đã quen với nếp học thì tiếp cận kiến thức nhanh hơn và cũng chủ động hơn. Mặc dù theo tôi đánh giá, chương trình lớp 1 mới có phần nặng hơn so với nhận thức của học sinh miền núi. Nhưng nếu giáo viên tổ chức hoạt động lớp học tốt, thì học sinh sẽ không cảm thấy áp lực. Các em tự tin phát triển nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức. Đơn cử trong lớp tôi dạy giờ nhiều em đã biết sử dụng công nghệ để tìm kiếm kiến thức hoặc giải quyết một số vướng mắc”, cô Huê nói.

Còn tại Trường PTDTBT Tiểu học Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) – nơi có hơn 800 học sinh con em đồng bào các dân tộc thiểu số theo học, thì theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Phong: Kết quả khả quan thể hiện ngay trên những con số đánh giá năng lực toàn diện của học sinh. Thống kê học kỳ I, nhà trường có 96,6% học sinh hoàn thành tốt và hoàn thành kiến thức kỹ năng; 91% được đánh giá tốt và đạt về năng lực; phẩm chất tốt và đạt là hơn 99%.

“Chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là các kỹ năng ngoài kiến thức đã có sự cải thiện rõ rệt. Cho đến giờ, học sinh khối 1 tự tin, năng động hơn. Các em khối 2 cũng dễ dàng bắt nhịp với chương trình kiến thức mới. Đặc biệt, các em chủ động tham gia vào những hoạt động khám phá, thực hành, trải nghiệm. So với các vùng miền khác đã không còn nhiều chênh lệch. Đây là tiền đề thuận lợi để các em tiếp tục bắt nhịp, phát triển bản thân ở các chương trình tiếp sau”, thầy Phong nhận định.

Nhiều trường được đầu tư xây dựng, sửa chữa khang trang, sạch đẹp, thu hút học sinh tới trường.
Nhiều trường được đầu tư xây dựng, sửa chữa khang trang, sạch đẹp, thu hút học sinh tới trường.

Cái khó “ló” cái hay

Trước chương trình giảng dạy với những môn học mới, kiến thức mới, thời gian đầu không ít giáo viên, phụ huynh còn băn khoăn, lo ngại. Vướng mắc nhất đối với giáo dục miền núi là sự chênh lệch vùng miền. Nhận thức học sinh, điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy… đều hạn chế.

Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT địa phương: Nhận thức rõ vai trò của giáo viên là quan trọng nhất nên ngành đã tập trung nâng cao năng lực chuyên môn và khuyến khích, khơi gợi sự sáng tạo trong mỗi giáo viên.

“Từ cấp ngành đến các nhà trường đều có kế hoạch cụ thể, triển khai đa dạng các hoạt động tập huấn, thảo luận, sinh hoạt chuyên môn. Trong đó, phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán, để chia sẻ, trao đổi trực tiếp giữa các giáo viên với nhau. Khi từng thầy cô đã cơ bản nắm được phương pháp, chương trình tổ chức dạy học thì việc giảng dạy nội dung, kiến thức mới sẽ không còn quá nhiều khó khăn”, ông Đoạt cho hay.

Đánh giá khó khăn lớn nhất của học sinh dân tộc thiểu số là tiếng Việt, bởi vậy Trường Tiểu học số 1 Mường Mươn (huyện Mường Chà) đã tổ chức cho giáo viên xây dựng lộ trình giúp học sinh hoàn thành các yêu cầu cần đạt của chương trình môn học này. Nhiều cuộc hội thảo, sinh hoạt chuyên môn liên trường và trong từng tổ chuyên môn được tổ chức để giáo viên cùng nhau nghiên cứu, thảo luận.

Cô Phạm Thị Định chia sẻ: Từ những cuộc sinh hoạt như thế đã phát huy được ý kiến tập thể để cùng nhau xây dựng lộ trình tổ chức các hoạt động giáo dục. Căn cứ vào các yêu cầu cần đạt của môn học theo từng kì, giáo viên tiếp tục tự rà soát thực trạng chất lượng học sinh của lớp mình đảm nhiệm rồi đối chiếu. Trên cơ sở này, mỗi người sẽ xây dựng và đăng kí thực hiện lộ trình đạt chuẩn đầu ra.

Theo cô Lò Thị Phanh, Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Vàng Đán (huyện Nậm Pồ), sau 1 năm đầu triển khai đã giúp mỗi giáo viên tự đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Ngay từ đầu năm học thứ 2, những chia sẻ, sáng kiến hay được trao đổi rộng rãi đã giúp các giáo viên tự tin hơn.

“Điều thấy rõ nhất là giáo viên sử dụng thành thạo và phát huy tối đa những lợi ích của công nghệ thông tin trong giảng dạy. Những thiết bị, công cụ còn thiếu sẽ được thay thế bằng Internet. Đối với các điểm trường chưa có mạng hoặc hệ thống đường truyền không đảm bảo, thì mỗi cuối tuần giáo viên về trung tâm sẽ sưu tập và tích trữ học liệu cho cả tuần”, cô Phanh chia sẻ.

Bởi vậy nên theo cô Phanh, một giờ lên lớp hiện nay không còn gói gọn là bảng đen, phấn trắng và giáo án nữa, mà các thầy cô đã sử dụng đa dạng nguồn học liệu hấp dẫn khác. Những ví dụ, câu chuyện minh họa từ thực tế vừa kích thích học sinh hứng thú với tiết học lại vừa giúp phát triển tư duy, khả năng sáng tạo của mỗi em.

Để có lộ trình, phương pháp giảng dạy mang lại hiệu quả tốt nhất, ngay từ đầu năm học, cô Bùi Thị Huê lại chủ động thực hiện những bài test dành cho học sinh. Trên cơ sở đó, cô Huê phân loại và áp dụng hình thức giảng dạy phù hợp với từng nhóm đối tượng.  

“Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động trong giờ học, thì người giáo viên còn có nhiệm vụ quan sát, ghi nhận những em chưa hiểu bài hoặc chưa tiếp cận được với kiến thức mới để lên kế hoạch hướng dẫn, bổ sung ngay. Quan trọng là dạy cho các em phương pháp để tiếp cận với kiến thức. Khi đã nắm bắt được thì các em cũng dễ dàng hiểu bài, biết cách vận dụng nên nhớ lâu hơn”, cô Huê phân tích.

Các thư viện trường học được phát huy hiệu quả.
Các thư viện trường học được phát huy hiệu quả.

Thêm nhiều trường đẹp

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song để triển khai có hiệu quả Chương trình GDPT mới, Ban giám hiệu Trường PTDTBT THCS Mường Nhà (huyện Điện Biên) đã xác định rõ cơ sở vật chất phục vụ dạy và học cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.

Trường hiện có gần 700 học sinh, với 96,6% là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Thầy Tường Duy Trung, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng: Muốn tổ chức bất cứ hoạt động nào hiệu quả thì trước tiên phải có học sinh đi học chuyên cần. Và trường đẹp, điều kiện ăn ở sinh hoạt tốt sẽ là yếu tố đầu tiên thu hút học sinh.

“Trên thực tế thì kinh phí được cấp hết sức hạn hẹp, nên để có nguồn lực đầu tư về diện mạo, trang thiết bị cho trường lớp thì buộc chúng tôi phải làm tốt công tác xã hội hóa. Muốn vậy, trước tiên phải đẩy mạnh truyền thông để tạo sự đồng thuận từ phụ huynh, chính quyền và các nhà hảo tâm”, thầy Trung cho hay.

Với sự ủng hộ về sức người, sức của, đầu năm 2022 vừa qua dãy nhà 4 phòng rộng rãi, thoáng mát, khang trang đã hoàn thành. Nhà trường sắp xếp, bố trí làm phòng học bộ môn, thay thế phòng cũ ẩm mốc và bổ sung công năng sử dụng để phát huy tối đa hiệu quả.

Còn tại thành phố Điện Biên Phủ, Phòng GD&ĐT đã tham mưu chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan huy động và lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhằm đáp ứng theo yêu cầu chương trình mới.

Từ đầu năm đến nay, địa phương này đã giải ngân trên 14 tỷ đồng dành để đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất cho các nhà trường. “Ban giám hiệu mỗi nhà trường cũng ý thức được điều này nên cũng chú trọng tạo dựng cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp để thu hút và giúp học sinh có hứng thú đến trường, đến lớp và tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục. Từ đó góp phần tối ưu hóa các giải pháp để triển khai hiệu quả nhất chương trình mới”, bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố chia sẻ.

Theo số liệu thống kê từ Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên: Riêng năm học 2020 - 2021, địa phương đã huy động được 73,5 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân và nhân dân hỗ trợ đầu tư xây dựng trường, lớp học. Thông qua nhiều hình thức: Tiền mặt, hiện vật, ngày công..., trên cơ sở đó đã đầu tư xây dựng gần 160 phòng học; hơn 40 phòng nội trú; 37 phòng công vụ và nhiều công trình phụ trợ khác... 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.