Thực hiện chương trình GDPT mới ở vùng cao: Phấn đấu đáp ứng nhu cầu tối thiểu

GD&TĐ - Điện Biên Đông - huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên - nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế nên khi bước sang giai đoạn chuẩn bị cho Chương trình GDPT mới cứ động đến đâu là ... thiếu đến đó.

Ngành GD&ĐT các huyện vùng cao ở Điện Biên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất
Ngành GD&ĐT các huyện vùng cao ở Điện Biên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất

“Tiền vào nhà khó”

Sau khi Bộ GD&ĐT quyết định lựa chọn Điện Biên Đông là một trong số những huyện làm điểm thực hiện Chương trình “Kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021-2025”, ông Nguyễn Tiến Thắng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện vui lên trông thấy.

Ông Thắng còn phấn khởi hơn khi được trực tiếp dẫn đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Ngô Thị Minh làm trưởng đoàn lặn lội đến từng điểm bản vùng xa để khảo sát nhu cầu thực tế. Nói vậy bởi có lẽ, trên giấy bút, báo cáo văn bản chẳng thể nào lột tả hết được những khó khăn, thiếu thốn của giáo dục vùng cao. Tất cả chẳng thể nào bằng những trải nghiệm thực tế.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh (thứ 2 bên phải) cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT khảo sát nhu cầu thực tế tại trường Tiểu học Xam Măn, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông
Thứ trưởng Ngô Thị Minh (thứ 2 bên phải) cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT khảo sát nhu cầu thực tế tại trường Tiểu học Xam Măn, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông

Điện Biên Đông là huyện vùng cao, địa bàn rộng, dân cư không tập trung, đời sống của đồng bào còn nhiều gian khó. Chỉ chưa đầy 70km từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ để đến được điểm trường Mầm non Sa Dung, xã Sa Dung (huyện Điện Biên Đông) song đoàn công tác phải mất hơn 2 giờ đồng hồ “đánh vật” với những ổ voi, ổ gà trên cung đường ngoằn ngoèo, xóc đến “lộn ruột”.

“Từ xã này sang xã khác thôi mà đường đi quá là khó khăn. Bởi thế, tôi rất trân trọng sự đóng góp, những hy sinh của thầy cô nơi đây cho sự nghiệp trồng người. Đặt chân đến mảnh đất này tôi cảm nhận rõ hơn những vất vả mà thầy cô đã đóng góp, cống hiến suốt bao năm qua”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ.

“Khó khăn với chúng tôi thì rất nhiều bởi nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế. Thiếu nhiều lắm, ví dụ như phòng học thiếu nên vẫn phải làm nhà tạm, thiếu phòng chức năng, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho công tác dạy-học... Giáo viên thiếu phòng công vụ để ở, một số phải đi thuê nhà dân.

Học sinh các trường bán trú và mầm non thiếu phòng ở, phòng ngủ, nhà ăn, bếp nấu, vệ sinh, nhà tắm, giếng nước. Nói chung cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển về quy mô và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục”, ông Thắng nói.

Một số nơi giáo viên mầm non cắm bản phải mượn, dựng tạm để làm nhà công vụ hoặc làm bếp ăn cho học sinh
Một số nơi giáo viên mầm non cắm bản phải mượn, dựng tạm để làm nhà công vụ hoặc làm bếp ăn cho học sinh

Cần sự chung tay của cộng đồng

Huyện Điện Biên Đông hiện có 22.347 học sinh theo học tại 837 lớp thuộc 51 trường học. Trong đó, 19 trường Mầm non, 17 trường Tiểu học (TH), 11 trường Trung học cơ sở (THCS), 4 trường liên cấp TH&THCS. Huyện vẫn còn 165 điểm trường lẻ rải rác ở các bản xa trung tâm.

Theo thống kê, địa phương này có 948 phòng học ở cả 3 cấp (MN, TH, THCS). Trong đó, 328 phòng bán kiên cố, 67 phòng học tạm và 5 phòng học mượn. So với quy mô phát triển số lớp, học sinh thì số phòng học và phòng hỗ trợ học tập vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Toàn huyện còn 98/356 phòng công vụ giáo viên bán kiến cố và 145/356 phòng công vụ tạm. So với số lượng cán bộ giáo viên, nhân viên có nhu cầu nhà ở thì số phòng công vụ chưa đáp ứng được nhu cầu.

Tuy thiết bị phục vụ việc dạy và học đã được trang bị, mua sắm bổ sung, nhưng đa phần đã được mua sắm từ nhiều năm trước, đã hết hạn, hỏng, không đồng bộ, không sử dụng được.

Báo GD&TĐ kết nối, gửi tặng con em vùng cao nghèo nhu yếu phẩm, giúp các em tạm chấm dứt "ăn sắn thay cơm" mùa giáp hạt
Báo GD&TĐ kết nối, gửi tặng con em vùng cao nghèo nhu yếu phẩm, giúp các em tạm chấm dứt "ăn sắn thay cơm" mùa giáp hạt

Huyện Điện Biên Đông có 29 trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) và 19 trường mầm non tổ chức nấu ăn bán trú, song cơ bản điều kiện cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn đáng kể.

Ông Thắng cho biết, các trường PTDTBT có 270 phòng ở nội trú thì có đến 79/270 phòng bán kiên cố và 36 phòng ở tạm.

“So với quy mô phát triển số trường, lớp, học sinh bán trú thì số phòng ở bán trú, nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước và các vật tư thiết bị phục vụ nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu”, ông Thắng nói.

Trong khi đời sống người dân còn khó khăn, nguồn lực đầu tư cho Nhà nước còn hạn chế thì trong lúc này, ông Nguyễn Tiến Thắng cũng như ngành GD&ĐT Điện Biên Đông và chính quyền địa phương cũng chỉ biết đợi vào sự chung tay, hỗ trợ của các tổ chức thiện nguyện.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành GD&ĐT Điện Biên Đông đang hi vọng từ chương trình “Điều ước cho em” do Bộ GD&ĐT phát động, 20 trường học trên địa bàn huyện sẽ đón nhận được sự sẻ chia của các tổ chức, tập đoàn kinh tế thông qua sự hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa trường, lớp học. 

“Đoàn công tác của Bộ trao tặng 100 triệu đồng để xây dựng nhà vệ sinh cho điểm trường  Đó là niềm vui rất lớn. Chúng tôi dự định sẽ cho xây dựng ở một điểm bản có đông học sinh, nhưng chưa có nổi một cái nhà vệ sinh tử tế bao giờ. Giai đoạn tới, tôi mong sẽ đón nhận được nhiều sự sẻ chia hơn nữa, xây dựng các hạng mục khác để các con vùng cao có môi trường học tập tốt hơn, an toàn hơn”, cô giáo Cà Thị Xuấn - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sa Dung vui vẻ nói.

"Năm học 2020 - 2021 cũng sắp hết. Có thể nói, đến nay mạng lưới và quy mô trường lớp trên địa bàn chúng tôi được duy trì ổn định. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp tương đối đảm bảo với chỉ tiêu kế hoạch. Con số này đều tăng so với năm trước.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tuy đã được đầu tư, sửa chữa song cơ bản cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu phục vụ dạy học. Bởi vậy, chúng tôi thực sự rất cần các nguồn lực đầu tư để có thể thực hiện tốt chương trình GDPT mới theo tinh thần chung của toàn ngành", ông Thắng cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.