Khó khăn chồng chất
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, nhất là các trường học vùng đặc biệt khó khăn, phòng học bán kiến cố, phòng học tạm còn 8,5%. Nhiều trường còn thiếu phòng chức năng, công vụ, phòng nội trú và các hạng mục phụ trợ khác để phục vụ công tác dạy và học.
Đơn cử, huyện Điện Biên Đông có 948 phòng học ở cả 3 cấp. Trong đó, 328 phòng bán kiên cố, 67 phòng học tạm và 5 phòng học mượn. So với quy mô phát triển số lớp, học sinh, số phòng học và phòng hỗ trợ học tập chưa đáp ứng được nhu cầu.
Toàn huyện còn 98/356 phòng công vụ giáo viên bán kiên cố và 145/356 phòng công vụ tạm. So với số lượng cán bộ giáo viên, nhân viên có nhu cầu nhà ở, số phòng công vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của cán bộ giáo viên, nhân viên.
Tương tự, thiết bị phục vụ dạy và học tuy được trang bị, mua sắm bổ sung, nhưng nhiều thiết bị mua sắm từ nhiều năm trước, đã cũ, hết hạn, hỏng, không đồng bộ, không sử dụng được.
Một vấn đế đáng quan tâm với Điện Biên là tình trạng thiếu đội ngũ, nhất là giáo viên tiếng Anh, Tin học và giáo viên môn đặc thù như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục công dân, Quốc phòng-an ninh.
“Chúng tôi còn thiếu hơn 200 giáo viên, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non, tiếng Anh và Tin học. Cho đến thời điểm này vẫn chưa được bổ sung biên chế nên chúng tôi tính đến các phương án bồi dưỡng tạm thời để đón đầu cho năm học mới. Nếu không có biên chế, việc triển khai Chương trình GDPT mới ở địa bàn vùng cao như chúng tôi hết sức khó khăn”, ông Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa trăn trở.
Ông Mai Trọng Thuyết - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng cho biết: Công tác chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (đối với khối lớp 1, 2) theo đúng tiến độ. Phòng đã chỉ đạo các trường kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, phòng lớp học… và đăng kí mua đồ dùng, thiết bị dạy học phục vụ năm học 2021-2022. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện phục vụ tập huấn sử dụng SGK lớp 2 trong thời gian tới theo kế hoạch của Sở GD&ĐT.
“Khó khăn lớn nhất với chúng tôi là tình trạng thiếu giáo viên dạy tiếng Anh. Hiện huyện có 13/29 giáo viên, vẫn còn thiếu 16 giáo viên để thực hiện dạy tiếng Anh tự chọn 2 tiết/ tuần cho khối 1+2 và bắt buộc 4 tiết/tuần cho khối 3+4+5. Ở một số đơn vị như tTường PTDTBT Tiểu học Bản Bua, phòng học môn Tin học chưa có thiết bị và nhiều trường chưa có phòng học môn tiếng Anh. Trong khi theo lộ trình đến năm học 2022-2023: 100% học sinh lớp 3 bắt buộc học 2 môn Tin học và Tiếng Anh. Ngoài ra, nhiều đơn vị có học sinh lớp 3, 4, 5 đang học tại điểm trường lẻ, rất khó khăn trong việc tổ chức dạy học môn Tin học trong thời gian tới”, ông Thuyết bộc bạch.
Chủ động vượt khó
Ông Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: Để hỗ trợ các địa phương khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất (CSVC), ngành GD-ĐT đã chỉ đạo rà soát, sắp xếp, sửa chữa để sử dụng hiệu quả CSVC, thiết bị dạy học hiện có. Đồng thời chủ động tham mưu với UBND các cấp xây dựng kế hoạch đầu tư CSVC đủ theo quy định của từng cấp học. Bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu đảm bảo thực hiện đổi mới của từng khối lớp, cấp học. Ngành cũng huy động lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa nâng cấp CSVC, thiết bị trường học. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác chế độ chính sách với cán bộ, giáo viên và học sinh.
“Từ giữa năm 2020, 100% UBND huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, ban hành kế hoạch của địa phương thực hiện Chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới. Toàn tỉnh đã đẩy mạnh truyền thông về về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và Chương trình, SGK giáo dục phổ thông 2018”, ông Nguyễn Văn Kiên cho hay.
Ông Kiên cho biết thêm: Trên cơ sở thống kê, rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu bảo đảm các điều kiện cần thiết về CSVC, kỹ thuật, nhân lực… chính quyền địa phương các cấp cũng đã và đang hoàn thành việc lập kế hoạch đầu tư CSVC cho các cơ sở GDPT giai đoạn 2021-2015, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Theo ông Kiên, khó khăn còn nhiều, song ngành GD-ĐT Điện Biên xác định sẽ tập trung làm tốt những giải pháp căn bản. Trong đó, địa phương tiếp tục tăng cường truyền thông về GD&ĐT; đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đổi mới Chương trình, SGK trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Kiên thông tin: Sở sẽ tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, đội ngũ giáo viên để tham mưu UBND tỉnh tuyển dụng bổ sung từng bước đảm bảo số lượng và chất lượng đáp ứng triển khai thực hiện chương trình GDPT mới. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học để phục vụ tốt nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt các chủ đề, chuyên đề triển khai chương trình, SGK mới.
“Đề nghị ngành quan tâm, hỗ trợ chúng tôi bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tin học. Dự kiến mỗi trường sẽ cử 2 giáo viên đi học để đón đầu cho năm học sau nữa. Giải pháp này để đề phòng trường hợp không có biên chế tin học, hoặc có nhưng nguồn tuyển chưa đáp ứng thì mình đã có giải pháp đón đầu”, ông Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Theo kế hoạch, Sở GD&ĐT Điện Biên sẽ tổ chức các đợt tập huấn đại trà giáo viên cấp tiểu học, THCS, THPT về triển khai Chương trình GDPT 2018 và SGK lớp 2, lớp 6. Hoàn thành nội dung tập huấn sử dụng SGK lớp 2, lớp 6 trước khi khai giảng năm học mới.