Dễ phố… khó thôn
Không khó hiểu khi con số đánh giá chất lượng học kì I và II của Phòng GD&ĐT thành phố Điện Biên Phủ đạt kết quả khả quan. Nói vậy bởi đây là nơi được đánh giá có nhiều thuận lợi nhất tỉnh Điện Biên. Kết thúc năm học 2020 - 2021, thành phố Điện Biên Phủ có trên 95% học sinh lớp 1 đạt yêu cầu theo Chương trình GDPT mới. Trong đó, môn tiếng Việt 97,5% được đánh giá hoàn thành và hoàn thành tốt. Với môn Toán, có tới 98,2% học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt yêu cầu đề ra.
Theo bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng GD&ĐT TP Điện Biên Phủ, do có sự thống nhất ngay từ đầu năm học nên quá trình triển khai chương trình GDPT mới, nhất là việc thay sách giáo khoa (SGK) lớp 1 diễn ra thuận lợi, hiệu quả. Thành phố không ghi nhận ý kiến trái chiều từ dư luận và phụ huynh học sinh. Đặc biệt, sau mỗi kỳ học, học sinh đều được đánh giá cao về tính chủ động, tích cực và có những chuyển biến rõ nét.
“Do hệ thống SGK được đổi mới sinh động hơn nên đã kích thích khả năng tư duy và khám phá của trẻ. Ngay từ học kì I, học sinh tôi dạy đã không chỉ đọc thông, viết thạo mà các em còn linh hoạt, chủ động tiếp thu kiến thức. Điều này giúp cho giáo viên như chúng tôi đỡ vất vả” – cô giáo Phạm Thị Tú, Trường Tiểu học Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ chia sẻ.
Ở Điện Biên, các trường tiểu học lựa chọn 2 bộ SGK là: Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống. Sau một năm giảng dạy, nhiều giáo viên phấn khởi, tự tin với bộ SGK mới này.
Cô giáo Trần Thị Ngọc Hồi, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A1, Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ (TP Điện Biên Phủ) chia sẻ: “Tôi thấy 2 bộ SGK này có nhiều ưu việt. Đó là, những hình ảnh, bức tranh được thiết kế sinh động, gần gũi, thiết thực với học sinh. Đối với mỗi bài học đều được thể hiện rõ ràng, chi tiết, cụ thể. SGK của giáo viên cũng vậy. Học sinh được tiếp cận với chương trình GDPT mới và đặc biệt, 2 bộ SGK này tạo ra được sự hào hứng, phấn khởi. Các em tiếp thu bài tốt”.
So sánh với những bộ SGK từng giảng dạy, cô Hồi nhận thấy ở SGK mới có lượng kiến thức vừa đủ, kèm theo những hình ảnh minh họa sinh động sẽ giúp học sinh dễ vận dụng, liên hệ hơn.
“Tôi thấy môn Toán có giảm tải hơn so với chương trình cũ. Học sinh đang làm quen con số nên các em rất hào hứng, phấn khởi. Ví dụ như nhìn vào tranh, vào ảnh, vào các bài toán, mặc dù chưa học đến nhưng những hình ảnh sẵn có, bằng trí tưởng tượng của mình, học sinh có thể vận dụng được ngay”, cô Hồi chia sẻ thêm.
Tại một số địa bàn vùng cao, việc triển khai Chương trình GDPT mới gặp không ít khó khăn. Lí do bởi nhận thức của trẻ vùng cao còn hạn chế. Thêm vào đó là cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo cũng vẫn chưa theo kịp được yêu cầu.
Bà Hoàng Thị Bích, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ cho biết: “Hệ thống cơ sở vật chất các trường chưa đồng bộ. Nhiều nơi còn thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng và thiết bị dạy học theo chương trình mới. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên đứng lớp cũng vẫn còn thiếu… nên ngay từ khi triển khai chúng tôi đã gặp khó”.
Linh hoạt với vùng khó…
Việc tổ chức dạy học phù hợp với năng lực của học sinh là “bài toán” không đơn gian đối với các huyện vùng cao, biên giới.
“Trong bộ SGK mới có nhiều môn học và nhiều kênh chữ đã khiến cho học sinh lớp 1, đặc biệt là những con em vùng cao chưa thông thạo tiếng phổ thông. Những học sinh này sẽ khó nắm bắt và nhớ mặt chữ...”, bà Bích cho hay.
Để chủ động tháo gỡ vướng mắc, giống như các địa phương khác, phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ đã giao quyền chủ động cho các trường ngay từ học kỳ I. Theo đó, giáo viên lớp 1 sẽ chủ động kế hoạch giảng dạy của mình để làm sao cho phù hợp với nhận thức của trẻ.
“Chúng tôi đã chỉ đạo tổ chuyên môn hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp, không để xảy ra hiện tượng dạy quá tải. Không đưa kiến thức nâng cao ngoài SGK vào giảng dạy. Các trường cũng yêu cầu giáo viên linh hoạt trong quá trình sử dụng các phương pháp dạy học, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học…”, ông Phạm Thiết Chùy, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Mường Nhé cho biết.
Trường Tiểu học Thanh Hưng (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên) có 523 học sinh theo học, trong đó có 119 học sinh lớp 1. Do là xã biên giới nên ngay từ những năm học trước, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy cho năm đầu áp dụng chương trình GDPT mới này.
“Chúng tôi chú trọng đến việc tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo về chuyên môn. Trong năm, tổ chức 4 chuyên đề cấp trường, chủ yếu tập trung vào phương pháp dạy học và cách thức điều chỉnh nội dung bài học cũng như lên kế hoạch giảng dạy. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra và tư vấn, rút kinh nghiệm cho giáo viên. Ngoài ra, đã tư vấn về cách thức tổ chức dạy học cho học sinh ở nhà đối với các bậc phụ huynh. Nhờ đó mà đã giảm áp lực cho các con”, thầy Trần Văn Xuyên, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự.
“Trong quá trình dạy học, nhà trường cũng linh hoạt tổ chức 2 tiết mở theo chỉ đạo của Sở là điều chỉnh phù hợp với năng lực của mỗi học sinh. Với những tiết học này, chúng tôi chỉ đạo thực hiện dạy bồi dưỡng với học sinh khá, dạy bù đắp cho học sinh yếu ở những tiết học cơ bản”, thầy Xuyên nói thêm.
“Để dạy tốt chương trình SGK mới thì chúng tôi phải vận dụng tốt những học liệu có trên internet, ví dụ như “hành trang số”. Ở đây học liệu rất cụ thể, hướng dẫn học sinh rõ ràng. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng giảng dạy, khả năng truyền thụ thì chúng tôi cũng phải tận dụng thời gian của các hoạt động khác để tăng thời lượng học tiếng Việt cho học sinh”, cô Trần Thị Loan, giáo viên trường Tiểu học Thanh Hưng nói.