Trí thông minh không phụ thuộc hoàn toàn vào gene

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh bỏ ra hàng chục triệu đồng để xét nghiệm gene giải mã trí thông minh, năng khiếu bẩm sinh của trẻ. Theo các chuyên gia, việc làm này không có tác dụng, không đánh giá đúng khả năng của trẻ.

Nhiều phụ huynh đang bỏ tiền xét nghiệm gene để tìm sự thông minh của con.
Nhiều phụ huynh đang bỏ tiền xét nghiệm gene để tìm sự thông minh của con.

Tìm năng khiếu của trẻ qua gene

Gần đây, tại Hà Nội, TPHCM và một số thành phố lớn, dịch vụ gói xét nghiệm giải mã gene cho trẻ em được các trung tâm tung ra thu hút nhiều phụ huynh. Dịch vụ xét nghiệm gene, các gói xét nghiệm giải mã gene dành riêng cho phát triển toàn diện trẻ em bao gồm giải mã về trí tuệ và tính cách như tính cách hướng ngoại hay hướng nội, hành vi, IQ, EQ, năng khiếu…

Ngoài ra, các trung tâm dịch vụ còn có giải mã về nhu cầu dinh dưỡng, thể chất cho trẻ như xác định chế độ ăn cơ bản, chuyển hóa chất, nhu cầu vitamin/khoáng chất, nguy cơ sức khỏe (béo phì, tim mạch, tiểu đường). Tùy theo nhu cầu của khách hàng, các gói dịch vụ xét nghiệm có mức giá dao động từ 10.000.000 – 30.000.000 đồng.

GS.TS Lê Đình Lương, Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền cho biết, cho đến nay, chưa có cơ sở khoa học để nói rằng xét nghiệm gene có thể đọc được các chỉ số như thông minh, khả năng thiên bẩm, tính cách, hay thiên hướng lĩnh vực nọ kia…  Về nguyên lý, tất cả các biểu hiện của sự sống trong đó có cả trí tuệ đều do gene quyết định.

Để xác định một người có thiên hướng cụ thể nào đó, năng lực trí tuệ bẩm sinh nào đó, cần đến rất nhiều gene tập hợp trong một cơ thể. Nhưng về nguyên lý giảm phân của gene thì khả năng có nhiều gene nổi trội tập hợp ở một người là xác suất rất nhỏ, hàng tỉ người mới có những người lỗi lạc là Einstein, Newton….

Do vậy, kết quả xét nghiệm gene cho thấy người đó chỉ có 1-2 gene biểu hiện về năng lực A, thì không thể kết luận người đó có thiên hướng phát triển theo lĩnh vực A. Bởi ngoài gene A, còn có hàng trăm gen B, C, D…. khác. “Nghĩa là, xác suất đúng của khả năng đó chỉ là khoảng 1-2% thôi, vậy thì có nên bỏ tiền ra làm các xét nghiệm như vậy hay không?”, GS Lê Đình Lương đặt câu hỏi.

Theo ông, muốn biết trẻ có thiên hướng lĩnh vực nào thì phải gần gũi, quan tâm, chia sẻ, quan sát, hỏi han, chơi với chúng… để thấu hiểu chúng. Nhiều người phó mặc việc đó cho tờ xét nghiệm gene là rất sai lầm. Đúng là mỗi đứa trẻ sinh ra đều có những thiên hướng phát triển cụ thể của bản thân, nhưng việc xét nghiệm gene không nói lên điều gì cả.

Đó là chưa kể công thức kiểu gene + môi trường = kiểu hình. Nghĩa là môi trường có yếu tố rất lớn trong việc hình thành tính cách, tài năng, trí tuệ của trẻ. Việc quyết định có cho trẻ làm các xét nghiệm này hay không là quyết định của mỗi người, nhưng đừng để bản thân bị lừa, trở thành phong trào lừa, rất phản khoa học.

Có gene, nhưng chưa chắc đã biểu hiện ra

Theo TS Chí Bảo, Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Quan hệ quốc tế của Đại học Quốc gia TPHCM, các loại gene cho trí tuệ thông minh, toán học… có thể tìm ra được. Tuy nhiên, phần tìm ra được chưa thể nói ra hết các biểu hiện của gene. Vì gene chỉ đóng góp khoảng 30%, cho biểu hiện, phần còn lại do ảnh hưởng của môi trường, hành vi thói quen…

Ví dụ, trẻ nhỏ có “bản đồ” gene liên quan đến âm nhạc. Trường hợp phụ huynh đầu tư cho trẻ trong một khoảng thời gian nhất định, trẻ sẽ bộc lộ năng khiếu đó. Tuy nhiên, nếu bố mẹ biết biểu hiện gene năng khiếu này khi đứa bé đã lớn, trí não không còn cho niềm đam mê âm nhạc. Giai đoạn này, khả năng lĩnh hội âm nhạc sẽ dần phai nhạt.

Vì vậy, gene là yếu tố tiềm năng, chỉ chiếm 30%, phần còn lại 70% là do tác động của môi trường, hành vi, quá trình rèn luyện… để hình thành được sự thông minh hoặc thiên hướng bẩm sinh. Đặc biệt, trải nghiệm và môi trường sống của mỗi cá nhân đều đóng góp lớn vào việc hình thành cá tính một con người, dù đó là tài năng hay bệnh tật.

Ở Việt Nam, việc điều trị bệnh, phòng bệnh từ việc đọc gene đã bắt đầu phát triển. Đọc được gene thì có thể biết người này có nguy cơ mắc bệnh gì để phòng bệnh từ sớm. GS.TS Lê Đình Lương, cho biết thuật ngữ “tử vi ADN” đã được dùng từ lâu, hiểu nôm na nó là chứng minh thư ADN hay thẻ ADN cá nhân.

Thông tin của “lá tử vi ADN” gồm thông tin của các gene (các đoạn ADN) phản ánh tính đặc trưng riêng của mỗi cá thể. Thông tin về các gene liên quan đến bệnh tật. Hiện nay, Di truyền học đã phát hiện khoảng 5.000 bệnh di truyền ở người. Trong đó thế giới đã có quy trình chẩn đoán khoảng 1.000 bệnh. Về lĩnh vực đo trí thông minh, năng khiếu, cảm xúc… thì ngay cả trên thế giới cũng không có công nghệ nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người tuy tuổi còn trẻ nhưng đã suy giảm ham muốn tình dục. Ảnh minh họa: L.N

Phái mạnh cũng có lúc 'yếu'

GD&TĐ - Sức khỏe sinh lý từ lâu đã được coi là biểu tượng làm nên bản lĩnh và sự tự tin của phái mạnh.