“Bút nguyên tử trong Thành gửi ra”
GS.TS Lê Đình Lương cùng vợ là nhà khoa học Nguyễn Thị Nga hiện đang quản lý hoạt động của Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền, trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Ông từng là Chủ nhiệm Bộ môn Di truyền, rồi làm Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Vi sinh vật của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sinh ra ở phố Hàng Cân - Hà Nội, nhưng ngay những ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã theo gia đình tản cư lên chiến khu Việt Bắc, khi mới hơn 5 tuổi. GS.TS Lê Đình Lương kể: “Lớn lên và học tập trong rừng sâu Việt Bắc, ước mơ cũng đơn giản, sở thích càng đơn giản hơn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy chiếc bút bi từ “trong Thành gửi ra”.
Mà thời đó không hiểu sao lại gọi là “bút nguyên tử”, nghe đến khiếp! Trong chiếc bút có hình cầu Long Biên nhỏ xíu, nhưng tuyệt đẹp. Tôi luôn “mơ thấy về Hà Nội”, mà sau này, đúng là ước mơ đó đã trở thành hiện thực.
“Hắn sẽ trở thành giáo sư của Việt Nam”
“Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi được may mắn lựa chọn đi học nước ngoài, ngành Toán học, vì cả thời gian cấp III tôi làm trưởng bộ môn Toán. Sau khi học chuyên ngữ tiếng Nga một năm ở Gia Lâm, do thiếu người, đột nhiên tôi “bị” chuyển sang học sinh học trước khi lên tàu đi nước ngoài.
Lý do: Tôi có điểm tổng kết môn Sinh vật học cao, mặc dù lúc đó tôi rất không thích học môn này. Thế là sau đó vài tuần lễ, tôi thực sự bị choáng kéo dài, đêm nào tôi cũng trằn trọc.
Mỗi khi thức giấc tôi đều bâng khuâng không hiểu mình là ai và đang tồn tại trong thế giới nào?! Tất nhiên, một phần do tôi chưa đủ hiểu biết nói chung về các ngành học. Nhưng phần chính là do môn Sinh học lúc đó quá tẻ nhạt, nặng về học thuộc lòng, cái tôi rất không thích.
Sau này, khi học đại học hai năm đầu ở Liên Xô, những lần phải học thuộc tên Latinh của từng cái lá, cành cây, hay phải học thuộc những cái lỗ xương mà mỗi sợi dây thần kinh phải chui qua là cơn choáng lại kéo đến làm khổ. Cũng may, chuyên ngành của tôi lại là Di truyền học. Nhưng môn này phải đến năm thứ ba mới được học.
Có một kỷ niệm khó quên là lần tôi vào thi môn “Phân tích di truyền”, sau khi tôi nhận được điểm ưu như các môn học khác, Giáo sư Fedorov, người phụ trách môn học, quay ra nói với các sinh viên có mặt: “Hắn sẽ trở thành giáo sư của Việt Nam”. Lúc đó, tôi nghĩ chắc ông chỉ động viên tôi, nhưng không ngờ, sau này điều ông nói đã trở thành sự thật!”, GS.TS Lê Đình Lương kể.
Phải biến kiến thức thành tiền
Dù là cán bộ giảng dạy trình độ cao, GS.TS Lê Đình Lương cho biết, thu nhập của hai vợ chồng ông vẫn thấp, không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống gia đình. Đến thời điểm ông chuẩn bị nghỉ hưu, gia đình vẫn chưa có nhà riêng.
Ông nhận thấy, chuyên môn phân tích ADN có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của đời sống. Nếu mình chỉ đem kiến thức nói ở các hội nghị hội thảo thì không có nhiều tác dụng. Chi bằng đưa nó vào thực tế thì ai cũng sẽ thấy.
Năm 2005, trước khi nghỉ hưu 2 năm, ông cùng vợ là ThS Nguyễn Thị Nga thành lập Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền. Trung tâm trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, hoạt động như một đơn vị khoa học chứ không phải doanh nghiệp.
GS.TS Lê Đình Lương cho biết: “Ý tưởng lập trung tâm nảy sinh trong tôi bắt nguồn từ phát minh được Giải thưởng Nobel của Kary Mulít công bố năm 1985. Phát minh này là bước ngoặt vĩ đại đưa di truyền học phân tử đến với các nhà khoa học nghèo trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Để nghiên cứu về ADN, nếu trước đây cần nhiều triệu đôla, nhiều năm, nhiều nhà khoa học thì nay chỉ cần một phòng thí nghiệm trang bị 4 - 5 tỷ đồng với vài người là làm được.
Năm 1988, thật may, khi trên đường về nước từ Hội nghị Di truyền học tổ chức ở Canada, tôi ghé qua Matxcova và đã mua được chiếc máy khuếch đại ADN, hiện là chiếc máy khuếch đại ADN đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2005, tôi thành lập Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền ở Hà Nội.
Vốn là khoa học hàn lâm, di truyền học phân tử ngày nay thực sự đã trở thành công cụ phục vụ thực tiễn trực tiếp. Từ nhiều năm nay, bản thân tôi vẫn cho rằng các nhà khoa học nước ta nên lao thẳng vào phục vụ thực tiễn bằng công nghệ cao, để đồng thời đạt hai mục tiêu.
Đó là tự nâng cao trình độ và kinh nghiệm để dễ dàng tiếp thu những thành tựu thế giới đang nở rộ. Nhận lại từ thực tiễn kinh phí để nuôi dưỡng và phát triển phòng thí nghiệm, tiết kiệm tiền cho Nhà nước. Để có tư cách pháp nhân thực hiện ý tưởng trên cần có một tổ chức. Với tôi đó là Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền”.
Vay mượn tiền của anh em bạn bè, ông cũng mở được trung tâm để hiện thực hóa ước mơ. Trong khoảng 2 năm đầu, ông phải mượn tạm phòng thí nghiệm của Viện Công nghệ Sinh học và Vi sinh vật để thực hiện các xét nghiệm.
Mãi sau này mới có tiền để đầu tư hệ thống xét nghiệm riêng. Đáng tự hào là đến giờ, tổng số tiền đầu tư cho trung tâm đã lên đến hàng triệu USD, tạo công ăn việc làm cho hơn chục nhân viên.
“Còn tôi, có tiền để mua nhà, mua xe, có tiền để sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh tốt nhất, không phải xin tiền con cái mà còn có tiền cho chúng nó”, GS.TS Lê Đình Lương chân tình chia sẻ.
GS.TS Lê Đình Lương kể, sau khi ông thành lập trung tâm và “ăn nên làm ra”, nhiều người, trong đó có những người làm cùng đã đứng ra mở công ty riêng cung cấp dịch vụ phân tích ADN.
Sau đó, nhận thấy nhu cầu xã hội ngày càng lớn, các công ty được thành lập ngày càng nhiều. Hoạt động theo mô hình công ty, các đơn vị này cũng cung cấp dịch vụ xét nghiệm ADN thế nhưng có nhiều điều bất cập.
“Tôi cũng cung cấp dịch vụ, nên nói ra thì sẽ là không khách quan. Chỉ có điều, một số nơi họ cung cấp kết quả xét nghiệm ADN chiều theo ý của khách hàng. Còn chúng tôi thì không chiều được. Máy cho kết luận thế nào, chúng tôi cung cấp cho khách hàng như thế”, GS.TS Lê Đình Lương chia sẻ.
Trong thời gian tới, GS.TS Lê Đình Lương sẽ tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng công nghệ di truyền trong dược học và y tế. “Hiện nay, Di truyền học đã phát hiện khoảng 5.000 bệnh di truyền ở người. Trong đó thế giới đã có quy trình chẩn đoán khoảng 1.000 bệnh.
Ở Việt Nam hiện mới chỉ nghiên cứu được vài chục bệnh qua xét nghiệm ADN, nhưng đó đều là những bệnh nguy hiểm. Qua phân tích ADN có thể biết một người có khả năng bị bệnh gì, từ đó có các phương pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp.
Ngay khi một đứa trẻ chào đời, đã có thể biết đứa trẻ đó có các xu hướng bệnh tật như thế nào. Ngoài ra, công nghệ ADN còn có thể ứng dụng trong nông nghiệp, thúc đẩy công nghệ cao…”.