Trị sỏi niệu quản không cần mổ hở

Anh Mỹ thường xuyên cảm thấy đau âm ỉ ở vùng lưng, thi thoảng đau quặn, buồn nôn. Kết quả chụp phim và xét nghiệm cho thấy anh bị sỏi niệu quản, bác sĩ chỉ định tán sỏi bằng nội soi.

Ảnh minh họa: Health.
Ảnh minh họa: Health.

Trực tiếp điều trị trường hợp này là thạc sĩ, bác sĩ Võ Thiện Ngôn (Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng). Bác sĩ cho biết khám lâm sàng và xét nghiệm cơ bản về huyết học, sinh hóa máu, phân tích nước tiểu và chức năng thận, chụp phim, siêu âm, bệnh nhân có sỏi niệu quản kích thước 15 mm, ứ nước thận... có thể điều trị bằng nội soi tán sỏi ngược dòng.

Sau khi có đủ các xét nghiệm, chụp phim để xác định rõ vị trí sỏi, độ lớn, bệnh nhân được tiêm kháng sinh, gây tê tủy sống trước 30 phút. 

Thiết bị nội soi lấy sỏi được luồn trực tiếp từ niệu đạo vào bàng quang qua ống niệu quản để tiếp cận sỏi và tán vụn sỏi. Phần vụn sỏi sau khi tán nhuyễn đã được lấy ra ngoài, bệnh nhân dùng kháng sinh để đề phòng các viêm nhiễm.

Thủ thuật tán sỏi kéo dài khoảng 24 phút. Hai ngày sau bệnh nhân hồi phục tốt và được xuất viện. Đến nay đã hơn một tháng, anh Mỹ tái khám, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy niệu quản đã sạch sỏi hoàn toàn, các chức năng thận ổn định với các chỉ số trong ngưỡng bình thường như người khỏe mạnh.

Theo bác sĩ Ngôn, lấy sỏi niệu quản qua nội soi ngược dòng là kỹ thuật có nhiều ưu điểm trong điều trị sỏi niệu quản. Thủ thuật này đem lại hiệu quả tốt và giảm tối đa tác hại trên đường tiết niệu, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, tiết kiệm thời gian nằm viện và chi phí lưu viện. 

Sau khi nội soi tán sỏi, nếu bệnh nhân không sốt, nước tiểu trong thì được xuất viện trong vòng 24 giờ, không sử dụng thêm kháng sinh. Người bệnh tái khám sau một tháng hoặc khi có các biểu hiện bất thường trong thời gian chờ tái khám như sốt, đái máu, đau thắt lưng nhiều.

Kỹ thuật trên được thực hiện từ năm 1988, ban đầu chỉ định cho các trường hợp sỏi niệu quản 1/3 dưới, đến nay đã mở rộng chỉ định cho sỏi niệu quản 1/3 giữa và 1/3 trên. 

Để đánh giá hiệu quả cũng như tai biến, biến chứng của tán sỏi nội soi ngược dòng trong điều trị sỏi niệu quản, bác sĩ Thiện Ngôn đã tiến hành một nghiên cứu trên 126 bệnh nhân áp dụng phương pháp này. 

Kết quả cho thấy có 123 bệnh nhân tán sỏi thành công (chiếm 97,6%), 3 trường hợp thất bại (2,4%). Thời gian thực hiện thủ thuật trung bình là 24,07 phút, dài nhất 50 phút, ngắn nhất 10 phút. 

Thời gian tán sỏi trung bình là 12,22 phút, dài nhất 30 phút, ngắn nhất 2 phút. Số ngày hậu phẫu trung bình là 1,12 ngày, dài nhất 5 ngày, ngắn nhất một ngày. 

Bệnh nhân tái khám sau một tháng ghi nhận kết quả sạch sỏi đối với các trường hợp tán sỏi thành công là 100%. Riêng 3 ca tán sỏi thất bại có một trường hợp không soi lên được niệu quản do hẹp lỗ niệu quản, 2 trường hợp sỏi chạy lên thận không thể tán tiếp được.

Kết quả nghiên cứu trên được công bố tại hội nghị khoa học lần thứ nhất tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng ngày 24/10. Quỹ hỗ trợ Nghiên cứu khoa học bác sĩ Tùng nhận tài trợ nghiên cứu nhằm triển khai rộng rãi kỹ thuật này ở nhiều địa phương, tạo điều kiện cho bác sĩ áp dụng các tiến bộ y khoa mang lại nhiều lợi ích hơn cho bệnh nhân.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ