Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ các cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật; các trường mầm non hoà nhập; trung tâm giáo dục chuyên biệt; trung tâm can thiệp sớm tại Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc, cùng các cán bộ, giảng viên của các cơ sở đào tạo về giáo dục đặc.
Tại hội thảo, các đại biểu xác định tầm quan trọng của việc phát triển chương trình đào tạo giáo viên chuyên ngành Âm nhạc trị liệu.
Đây là một hướng đi đúng đắn và cấp thiết, nhằm xây dựng một đội ngũ giáo viên, chuyên gia có khả năng sử dụng kiến thức về lý thuyết, phương pháp, công nghệ trị liệu âm nhạc khoa học trong trị liệu của trẻ khuyết tật.
Chuyên gia Hàn Quốc ông Kim Sam Sung hướng dẫn thực hành sử dụng rối trong trị liệu âm nhạc |
Hội thảo thống nhất các vấn đề: Thứ nhất, Trường CĐ Sư phạm Trung ương là đơn vị tham mưu cho Bộ GD&ĐT về tiềm năng, nhu cầu về xu hướng trị liệu mới - âm nhạc trị liệu.
Đây là đơn vị đầu tiên trong ngành nghiên cứu và triển khai nội dung này, với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế, các đơn vị chức năng liên quan cũng như các tổ chức cá nhân có nhu cầu về âm nhạc trị liệu trong giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt.
Thứ hai, Xây dựng chương trình đào tạo giáo viên trị liệu âm nhạc hệ cao đẳng. Sau khi kết thúc khoá học yêu cầu đối với đội ngũ giáo viên làm công tác trị liệu âm nhạc, phải có những kiến thức và kỹ năng cơ bản về tâm lý giáo dục trẻ em, tâm lý trị liệu, tâm lý học, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, các kỹ năng thực hành và sử dụng nhiều loại nhạc cụ.
Thứ ba, Phát triển chương trình đào tạo trị liệu âm nhạc theo hướng chuyên sâu và nâng cao. Đối tượng được đào tạo sẽ là những chuyên gia về trị liệu âm nhạc theo các lĩnh vực như: kịch, múa, rối, hát, sử dụng thành thạo một hoặc vài loại nhạc cụ, biểu diễn…
Thứ tư, cần tổ chức các khoá đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho các giáo viên mầm non, giáo viên âm nhạc về trị liệu âm nhạc; thiết kế các module giảng dạy theo tiêu chuẩn giáo dục.
Thứ năm, Xây dựng môi trường tổ chức hoạt động trị liệu âm nhạc đáp ứng nhu cầu trị liệu của trẻ bao gồm môi trường vật chất, môi trường tâm lý và môi trường giác quan.