Giáo dục đặc biệt: Những điều muốn nói...

GD&TĐ - Lời tòa soạn: Dạy học là một nghề khó, dạy những học sinh bị khuyết tật cả về trí tuệ và hình thể còn khó khăn gấp bội. Các em cần môi trường giáo dục đặc biệt, với những phương pháp dạy - học đặc thù. Hơn bao giờ hết, những “ngọn nến cong” ấy cần được thắp lên từ tình yêu thương của các thầy cô giáo. 

Cô Trà hướng dẫn học sinh viết chữ. Ảnh: T.G
Cô Trà hướng dẫn học sinh viết chữ. Ảnh: T.G

Bài 1: Tình huống “khó đỡ”

Nhiều năm trong nghề, nhưng các cô giáo của Trường Tiểu học Bình Minh (Hà Nội) vẫn không quên những tình huống “khó đỡ” từ phía học sinh. Song mỗi lần như vậy, các cô lại càng thương học trò hơn và muốn làm nhiều hơn thế nữa để giúp các em hòa nhập cộng đồng.

“Ngượng chín mặt” vì học trò

Gần 7 năm gắn bó với học sinh khuyết tật, cô Trần Thu Trà - giáo viên chủ nhiệm lớp C3 cho biết: Lớp cô chủ nhiệm có 22 học sinh, độ tuổi từ 6 đến 16 tuổi. Các em ở nhiều dạng khuyết tật khác nhau nhưng chủ yếu là khuyết tật trí tuệ. Vì thế, hành trình đến với con chữ của các em vô cùng gian nan, vất vả.

Để thuộc được một chữ cái, có khi phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng. Nhiều em rèn cả năm trời nhưng cũng không biết cầm bút và không viết nổi tên mình. Vì thế, mỗi khi có học sinh viết được một chữ cái hoặc một tiếng đủ âm, đủ vần, cả cô và trò đều mừng rơi nước mắt, cho dù chữ đó vẫn còn nguệch ngoạc.

Cô Trà chia sẻ, nhiều học sinh không tự phục vụ nhu cầu cá nhân, không phân biệt được đâu là quần, đâu là áo. Có em không tự mặc được quần áo nên cô thường phải hỗ trợ. Đây cũng là lý do khiến cô Trà rơi vào nhiều tình huống “khó đỡ”. Cô kể: Ngày mới ra trường được phân công chủ nhiệm lớp C3. Có học sinh gần bằng tuổi cô nhưng bị khuyết tật trí tuệ, khả năng vận động thô và vận động tinh đều rất yếu. Dù có lớn nhưng mọi suy nghĩ, hành động của các em như trẻ mẫu giáo.

Cũng theo cô Trà, đặc điểm của những học sinh này là rất nhạy cảm nên các em dễ bị tổn thương, thậm chí bất hợp tác với giáo viên. Vì thế, giáo viên không thể quát mắng hoặc sử dụng hình phạt để quản lý học sinh. “Khi thấy học sinh gào thét, cấu xé trong lớp học; thay vì nói to để trấn áp các em, ngay lập tức tôi sẽ đến bên cạnh em đó để thủ thỉ, nói chuyện hoặc có một vài cử chỉ nhẹ nhàng, âu yếm như những đứa con của mình. Lúc đó, các em sẽ cảm nhận được yêu thương và “hạ hỏa” - cô Trà bật mí.

Cô Trà nhớ lại: Ngày ấy, cả tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ, lại chưa có chồng, cô thấy một bạn nam học sinh “tè” dầm ra lớp mà không hề hay biết. Khi cô nhẹ nhàng nhắc nhở, bạn nhìn cô cười ngây ngô. Bạn ấy cũng không thể tự thay quần áo. Vậy là cô “gượng chín mặt” khi phải trực tiếp thay đồ cho học sinh cao lớn hơn cả mình. Một lần khác, có bạn đòi đi tiểu tiện, không còn cách nào khác cô phải hỗ trợ bạn vào nhà vệ sinh, rồi hướng dẫn từ A - Z cách đi tiểu...

Nói chung là vô vàn tình huống mà giáo viên không thể lường trước hoặc không hề có trong giáo án. Mãi rồi cũng quen và cô càng thấy thương học trò của mình. “Chỉ biết tự nhủ, mình sẽ làm hết sức để hỗ trợ các em, ít nhất là giúp các em tự phục vụ nhu cầu cá nhân” - cô Trà trải lòng.

Cô Trà chia sẻ thêm, giáo viên phải tinh tế trong việc nắm bắt tâm lý học sinh; đồng thời có khả năng phán đoán các tình huống có thể xảy ra để giảm thiểu những rủi ro hoặc thương tích do chính các em gây ra. Quan trọng nhất là cần có sự kiên trì và sự yêu thương chân thành đối với học sinh.

Cô và trò trường Tiểu học Bình Minh. Ảnh INT
 Cô và trò trường Tiểu học Bình Minh. Ảnh INT

Mỗi học trò là một giáo án

Với 27 năm gắn bó với giáo dục đặc biệtcủa Trường Tiểu học Bình Minh, cô Đặng Thị Bích Thảo hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp C1 cho hay: Lớp có 18 - 20 học sinh, mỗi em một hoàn cảnh và bị dị tật ở các thể khác nhau, vì thế giáo viên rất vất vả trong việc dạy dỗ.

Cô trao đổi: Quá trình lên lớp không thể đồng nhất một giáo án. Có thể chung một mục tiêu giáo dục nhưng mỗi em sẽ được thiết kế một giáo án và kế hoạch giáo dục riêng. “Chẳng hạn như, với học sinh tự kỷ, chúng tôi phải xây dựng chương trình giáo dục riêng để các em có thể hòa nhập; hoặc với những bạn bị thiểu năng trí tuệ, ngoài việc cố gắng giúp các em có thể biết đọc, biết viết, chúng tôi sẽ hỗ trợ các kỹ năng phục vụ bản thân, biết thể hiện cảm xúc, biết nói lời cảm ơn hoặc xin lỗi...” - cô Thảo trải lòng.

Theo cô Thảo, mục đích hướng tới là, sau khi kết thúc chương trình giáo dục đặc biệt khoảng 7 - 10 năm, các em sẽ được tham gia các lớp hướng nghiệp, để có thể tự phục vụ bản thân, hoặc hỗ trợ gia đình những việc nhỏ, nhằm giảm bớt gánh nặng cho người thân.

Mong muốn lớn nhất của cô Thảo hiện nay là sớm được tiếp cận với bộ sách Toán và Tiếng Việt dành cho học sinh khuyết tật trí tuệ. Qua đó, các cô có cơ sở thiết kế các bài học hiệu quả hơn. Ngoài ra, cô Thảo và các giáo viên trong trường cũng mong muốn được tập huấn nhiều hơn về giáo dục đặc biệt. Đặc biệt, cô Thảo mong nhận được sự đồng hành, giúp đỡ nhiều hơn của cộng đồng, để các em có thể hòa nhập cùng xã hội.

"Có hôm, tôi bất ngờ nhận được tấm thiệp chúc mừng do chính học sinh vẽ. Dù nét vẽ còn thô sơ, những dòng chữ còn nguệch ngoạc, chưa đủ nét nhưng đó là sự cố gắng bền bỉ, không mệt của cô và trò. Nhận món quà từ tay các em mà cô - trò vỡ òa trong hạnh phúc". -
cô Trần Thu Trà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...