Giáo dục đặc biệt: Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau

GD&TĐ - Có 3 phương thức giáo dục (GD) cho người khuyết tật, đó là: GD hòa nhập; GD bán hòa nhập và GD chuyên biệt. Học hòa nhập sẽ giúp cho các em được hòa nhập với cộng đồng, không cảm thấy bị bỏ rơi. Ngoài ra, học hòa nhập cũng để cộng đồng thông cảm, hỗ trợ người khuyết tật.

Lớp học đặc biệt của trẻ khuyết tật tại Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Hữu Cường
Lớp học đặc biệt của trẻ khuyết tật tại Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Hữu Cường

Chế độ chính sách rõ ràng

TS Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo GD trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Bộ GD&ĐT), cho biết: Hiện nay, các chính sách GD trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh, qua đó tạo điều kiện cho các em được tiếp cận với GD như những trẻ em khác.

Chúng ta đã có Luật Người khuyết tật năm 2010, sau đó là các văn bản dưới luật để triển khai chính sách đối với người khuyết tật. Tuy nhiên, có thực trạng nhiều bậc cha mẹ không muốn công nhận con em mình là người khuyết tật. Đây là điều chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền hơn nữa trong thời gian tới, để phụ huynh hiểu rằng, việc các cháu không may bị khuyết tật cần được giám định để được hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước.

Theo TS Tạ Ngọc Trí, hiện đã có chính sách rất rõ ràng đối với HS khuyết tật. Với những HS thuộc diện gia đình có khó khăn về kinh tế còn có nhiều chế độ kèm theo. Ngoài ra, giáo viên dạy học sinh khuyết tật cũng được hưởng các chính sách ưu đãi. Tuy nhiên hiện nay, bên cạnh nhiều địa phương thực hiện tốt chế độ chính sách cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật, vẫn còn một số địa phương chưa bảo đảm chính sách ưu đãi cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập.

Đặc biệt, qua đó nhà trường, giáo viên có cơ sở lập kế hoạch giúp đỡ các em trong việc tổ chức hoạt động học tập. Bởi đã là học sinh khuyết tật, các em được quyền miễn một số nội dung học tập, được học tập theo kế hoạch GD cá nhân. Khi đánh giá kết quả học tập, các em có thể được đánh giá nhẹ hơn về mức độ yêu cầu so với các học sinh không khuyết tật khác.

“Rất mừng là Luật GD được Quốc hội thông qua tháng 6/2019 đã dành hẳn Điều 15 nói về GD hòa nhập. Đây là một bước tiến rất lớn đối với giáo dục người khuyết tật vì từ trước chưa có. Qua đó, cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như toàn xã hội đối với GD hòa nhập.

Ngoài ra, Luật GD cũng khẳng định trung tâm hỗ trợ GD hòa nhập là một cơ sở giáo dục trong hệ thống GD quốc dân. Điều này rất thuận lợi bởi vì trung tâm sẽ là nơi cung cấp những nhà chuyên môn tốt về GD hòa nhập, đồng thời sẽ tư vấn, hỗ trợ cho các trường có học sinh học hòa nhập” – TS Tạ Ngọc Trí trao đổi.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Cần được bồi dưỡng thường xuyên

Liên quan đến công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy hòa nhập, TS Tạ Ngọc Trí nhấn mạnh: Đây cũng là vấn đề rất quan trọng. Trước đây, phần lớn giáo viên được đào tạo trong các trường sư phạm nhưng chưa có những học phần cụ thể về GD hòa nhập. Nắm bắt được điều này, Ban chỉ đạo GD trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Bộ GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán ở các địa phương. Trên cơ sở đó, các sở GD&ĐT tiếp tục bồi dưỡng cho giáo viên dạy hòa nhập ở các cơ sở GD.

Song cũng phải thẳng thắn nói rằng, các khóa bồi dưỡng chỉ giúp giáo viên có một số kiến thức, kỹ năng cơ bản về GD hòa nhập. Điều đó đồng nghĩa, năng lực của giáo viên cần tiếp tục được bồi dưỡng thường xuyên hơn. Nhà trường cần tạo điều kiện để giáo viên tham gia những khóa bồi dưỡng hằng năm để giúp họ nâng cao năng lực trong việc tổ chức GD hòa nhập, giúp cho học sinh học hòa nhập đạt hiệu quả tốt nhất có thể.

Để giải quyết sâu sắc hơn vấn đề này, các trường đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên đã đưa ra những khóa đào tạo chuyên sâu liên quan đến bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho giáo viên dạy hòa nhập. Qua đó trang bị và cung cấp các kỹ năng cho giáo viên để họ có thể dạy hòa nhập hoặc giáo viên có thể dạy chuyên biệt cho học sinh khuyết tật.

“Ngoài ra, hiện nay trong chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm, chúng tôi đã khuyến cáo đưa học phần liên quan đến GD hòa nhập vào chính khóa. Qua đó, giúp giáo sinh sau khi ra trường có thể đáp ứng những kỹ năng cơ bản về dạy học hòa nhập” – TS Tạ Ngọc Trí chia sẻ, đồng thời cho biết: Một số trường như: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, CĐ Sư phạm Trung ương… từ lâu đã có những chuyên ngành sâu về GD đặc biệt. Sinh viên của chuyên ngành này khi ra trường sẽ là lực lượng có kỹ năng chuyên sâu về GD hòa nhập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ