Về quê ăn Tết, “Tấm” không “đeo cườm”... móng tay

Về quê ăn Tết, “Tấm” không “đeo cườm”... móng tay

Dẫu đã là 27 Tết nhưng nàng không ngần ngại chi hẳn một ngày để ngồi ở tiệm nail.

Mặc lưng cứng đờ, chân tê tê nàng vẫn kiên trì “bám trụ” xếp hàng chờ lượt, “bám trụ” trên chiếc ghế để người thợ nail tha hồ tỉa tót.

Chẳng giấu gì, nàng muốn lần đầu về quê ăn Tết phải khác lạ ngay từ những... móng tay. 

Cầu được ước thấy, chưa cần đợi về đến quê, ngay từ trên xe khách, những móng tay “đeo cườm” ấy của nàng đã thu hút biết bao ánh nhìn.

Đám choai choai có vẻ muốn bắt chuyện nhưng nàng thản nhiên đeo tai nghe mắt ngó lơ.

Mấy bậc phụ huynh lại kêu: Ngữ ấy về chỉ... xỏ tay túi quần. Nàng khẽ nhếch môi cười mỉa, nhủ thầm: Xỏ thì đã sao!.

Chỉ mình nàng đi giữa làng quê... Ảnh minh họa
Chỉ mình nàng đi giữa làng quê... Ảnh minh họa 

Đám em út ùa ra đón nàng ngay từ cổng. Chúng xoắn xuýt lởn vởn ngó nàng nhưng không đứa nào dám ôm chân chị, dù xa nhau mấy tháng trời.

Nhận những chiếc thạch từ tay nàng, đứa lớn nhất mới cất lời: “Móng tay của chị đeo “cườm” kìa!”.

Thế là cả đám bắt đầu nhao nhao: “Ừ nhỉ, sao mà đẹp thế?”, “Có đắt tiền không chị?” Nàng nguýt dài, ối đấy - bõ không?

Đã là hăm chín Tết nhưng đám em bảo bố mẹ còn phải ra đồng be bờ giữ nước vào ruộng chuẩn bị cho vụ cấy mới.

Mệt nhọc thả mình xuống giường, nàng làu bàu: “Tết rồi còn đồng với cả áng” nhưng liền sau đó đã đánh tròn một giấc. 

Nàng chỉ tỉnh dậy khi nghe tiếng bố mẹ lao xao: “Mi về mà sao không cơm nước?”, “Nhà bao việc sao mi còn nằm đó?”

Vừa ngóc đầu dậy, chưa kịp đáp câu nào, mẹ đã giao hàng tá việc, từ cơm nước đến lau nhà dọn cửa, rửa lá dong gói bánh chưng.

Nàng dấm dứt xoa xoa đôi bàn tay “đeo cườm” cũng là lúc mẹ la: “Gì thế? Tay kia thì để tủ kính chứ làm được ngữ gì?” Đám em chẳng hiểu gì sất mắt tròn mắt dẹt hỏi nhau: “Tay chị sao lại để tủ kính?”

“Con về ăn Tết chứ đâu phải làm Tết?” – Nàng thủng thẳng khoác áo, dắt xe máy... lượn, bỏ mặc tiếng la của mẹ.

Gặp đứa bạn đầu làng Hạ nàng mừng rơn. Chưa kịp khoe đôi bàn tay óng ả, lấp lánh “cườm”, nó đã vội phóng xe ra đồng lấy nước đổ ải, để lại nàng chơ vơ.

Sang nhà thằng bạn cuối xóm, nó vừa xách cái sào dài mấy mét, đầu buộc chổi để quét mạng nhện vừa lại nhơn nhơn bảo:

“Bà tránh ra kia không mạng nhện lại dăng vào tay “cườm”, tay son tôi đền sao được!”

"Tấm" của mẹ không "đeo cườm" lên móng tay! Ảnh minh họa
"Tấm" của mẹ không "đeo cườm" lên móng tay! Ảnh minh họa

Nàng bực tức quày quả bỏ đi, rì rì xe máy từ đầu đến cuối làng. Nàng thong thả chào ối người làng người xóm và cũng ối người làng người xóm vội vã đáp lại.

Đôi tay “đeo cườm” của nàng mong chờ một câu nói xuýt xoa, một ánh mắt ngưỡng mộ... mà sao chẳng thấy.

Tự nhiên nàng thấy đôi tay mình cô đơn, lạc lõng, ngượng ngùng...

Mẹ đang đứng ở chái nhà trông ra ngõ. Nàng thẽ thọt trở về, thẽ thọt hỏi con cần làm gì giúp mẹ.

Mẹ nhiếc yêu: “ “Tấm” của mẹ không “đeo cườm” lên móng tay!” Nàng thẹn thùng, lỡ rồi mẹ. Tết năm sau nhất định không “đeo cườm” nữa...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.