Startup Mỹ hướng đến nhóm dân số già của Nhật Bản

GD&TĐ - Các công ty khởi nghiệp Mỹ tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đang thâm nhập vào thị trường của Nhật Bản, nơi có hơn 35 triệu người trên 65 tuổi.

Dây chuyền sản xuất bộ đồ hỗ trợ người cao tuổi của hãng Seismic.
Dây chuyền sản xuất bộ đồ hỗ trợ người cao tuổi của hãng Seismic.

Seismic, một công ty may mặc có trụ sở tại California hy vọng sẽ mở rộng thành công tại Nhật Bản với sản phẩm “Powered Clothing”, một bộ bodysuit (áo liền quần) sử dụng công nghệ robot và cảm biến cài đặt bên trong để bắt chước và tăng cường sức mạnh chuyển động của con người.

Bộ bodysuit được thiết kế để thích hợp đối với mọi lứa tuổi nhưng Seismic phát hiện nó đặc biệt hữu dụng với những người cao tuổi thích thể thao và du lịch tại Mỹ, nơi dân số cũng đang có xu hướng già hóa.

Số người ở độ tuổi từ 65 trở lên dự kiến sẽ tăng từ 52 triệu người năm 2018 lên 95 triệu vào năm 2060 tại Mỹ, theo Cục Tham chiếu Dân số.

Vào tháng 11/2018, Seismic hợp tác với Tập đoàn Obayashi để cung cấp cho các công nhân xây dựng của họ những bộ Powered Clothing. Thiết bị công nghệ cao này hỗ trợ được cho nhiều vị trí lao động thủ công khác nhau đòi hỏi nhiều nỗ lực thể chất.

Phó Chủ tịch của Seismic, Sarah Thomas cho biết, công ty có kế hoạch phát hành Powered Clothing tại Nhật Bản vào năm tới. Phòng trưng bày đầu tiên của họ tại Nhật Bản, được khai trương vào tháng 6, đã được mở thêm một tháng cho đến ngày 11/9 vì thu nhận được các phản ứng kinh doanh tích cực.

Powered Clothing có thể hoạt động trong 8 tiếng cho mỗi lần sạc pin, với mức giá dao động từ 1.000 đến 5.000 USD, theo công ty cho biết.

“Tất cả chúng ta đều đang già đi”, ông Thomas CEO của Seismic trao đổi: “Chúng tôi dự định cung cấp sự ổn định và sức mạnh cho lực lượng lao động và ở cả các hoạt động hàng ngày cho mọi người ở mọi lứa tuổi”.

Một công ty khởi nghiệp khác của Mỹ như VSee, cung cấp cho Trạm Vũ trụ quốc tế một công cụ y tế từ xa cho phép các phi hành gia trao đổi về vấn đề sức khỏe của họ với các bác sĩ trên Trái đất.

Công cụ này có thể kết nối với một loạt các thiết bị y tế như máy theo dõi mạch, ống nghe kỹ thuật số và còn có thể truyền hình ảnh X quang rõ ràng ngay cả trong môi trường giao tiếp khắc nghiệt.

VSee đặt mục tiêu bắt đầu kinh doanh tại Nhật Bản vào tháng 4/2020, làm việc với các bác sĩ chuyên ứng phó tại các địa điểm thảm họa, nơi việc liên lạc cấp tốc với bệnh viện, các bác sĩ và nhân viên y tế khác là cực kỳ cần thiết.

Trong tương lai, VSee hy vọng sẽ khám phá ra các cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực chăm sóc tại nhà, nơi nhu cầu về các dịch vụ y tế từ xa đang tăng lên. Các công ty khởi nghiệp Mỹ tương tự khác là MyndYou và Neurotrack Technologies Inc.

MyndYou đang hợp tác với Mizuho Information & Research Institute Inc. để cung cấp dịch vụ chăm sóc từ xa dựa trên trí tuệ nhân tạo và nhận thức cho người lớn tuổi ở Nhật Bản, bao gồm cả những đối tượng sống một mình.

Ứng dụng theo dõi của MyndYou sử dụng trí thông minh nhân tạo để phân tích xu hướng hoạt động hàng ngày và lời nói, trong khi dịch vụ của Neurotrack phân tích các chức năng nhận thức của bệnh nhân bằng cách theo dõi chuyển động của mắt trên máy tính hoặc điện thoại.

Chung tay với Công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi, Neurotrack Technologies mong muốn giải quyết được vấn đề về số lượng bệnh nhân Alzheimer ngày càng tăng ở Nhật Bản.

“Chúng tôi muốn tiếp tục hợp tác với các công ty khởi nghiệp ở nước ngoài để cải thiện sức khỏe của khách hàng”, một quan chức của Dai-ichi Life cho biết.

Theo Kyoto

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ