Tuy nhiên, mức hỗ trợ này được cho là chưa đủ hấp dẫn, khuyến khích người lao động tham gia.
Chênh lệch đóng - hưởng
Khác với bảo hiểm thương mại và BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện là một chính sách an sinh xã hội nhằm khuyến khích sự tham gia và hưởng lợi của người lao động khu vực phi chính thức. Đây là một chính sách ưu việt và nhân văn, nhưng đến nay số người tham gia vẫn còn hạn chế.
Theo BHXH Việt Nam, tính đến tháng 6/2019 đã có 420 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 100 nghìn người so với năm 2018. Mặc dù vậy, con số này còn rất nhỏ nếu so với khoảng 18 triệu lao động trong khu vực phi chính thức hiện nay.
Theo Khoản 2, Điều 4, Luật BHXH 2014, người tham gia BHXH tự nguyện 2019 được hưởng 2 chế độ: Hưu trí và tử tuất. Với các chế độ này, người tham gia có thể bảo đảm cuộc sống cho mình khi không thể tiếp tục làm việc.
Tuy nhiên, có thể thấy, so với chế độ BHXH bắt buộc có tới 5 chế độ, người tham gia BHXH tự nguyện 2019 được hưởng ít quyền lợi hơn, bởi không có chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.
Sự khác biệt này tạo ra chênh lệch trong việc đóng - hưởng và giảm tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện. Trong khi mức hỗ trợ của Nhà nước cũng chưa thực sự cao để thu hút hơn nữa người lao động tham gia.
Hiện nay, mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Cụ thể, mức đóng năm 2019 bằng 22% mức thu nhập do người lao động lựa chọn. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (27.800.000 đồng). Do đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 154.000 đồng/tháng và mức đóng cao nhất là 6.116.000 đồng/tháng.
Trong vòng 20 năm, khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi thì được nhận lương hưu, nếu người lao động đóng 22% trên mức thấp nhất là chuẩn hộ nghèo hằng tháng thì khi về hưu sẽ được nhận lương hưu mỗi tháng khoảng 400.000 đồng. Tiền lương hưu này cũng được điều chỉnh tăng theo quy định về chính sách tiền lương của Nhà nước.
Nâng mức hỗ trợ để “kích cầu”
Chính sách đã rõ ràng, tuy nhiên thu nhập của người lao động khu vực phi chính thức cũng đang là một rào cản đáng kể khi họ muốn tiếp cận BHXH tự nguyện.
Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân hàng tháng của lao động phi chính thức ít hơn lao động ở khu vực chính thức khoảng 30% với 4,4 triệu đồng/tháng, so với 6,7 triệu đồng/tháng của lao động chính thức. Đây được xem là một nguyên nhân dẫn đến việc hơn 97% lao động phi chính thức không có BHXH.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, phải nâng mức hỗ trợ lên để “kích cầu” tham gia.
Hiện nay, Trung Quốc đang hỗ trợ 50 - 50, người dân đóng 100 tệ thì Nhà nước đóng thêm cho 100 tệ. Việt Nam cũng cần thực hiện như vậy và có thể hỗ trợ cao hơn với người nghèo, người cận nghèo.
Về dài hạn, đây là việc Nhà nước bỏ tiền ra hỗ trợ trước để không phải chi sau khi người dân cao tuổi, bệnh tật. Việc tăng mức hỗ trợ này, nước ta cũng có kinh nghiệm từ thực hiện chính sách BHYT với những thành công lớn, diện bao phủ tăng nhanh.
Bên cạnh việc tăng mức hỗ trợ, ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, cần thiết kế lại chính sách BHXH tự nguyện như: Tích hợp thêm chính sách BHYT để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT; đồng thời bổ sung thêm chế độ thai sản và ốm đau vào chính sách này để tăng tính hấp dẫn.
Điều này có thể thực hiện được trên nền tảng tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện.