Sinh viên thiết kế “chốt bảo vệ” tiện ích

GD&TĐ - Từ những quan sát hằng ngày khi đi qua các chốt bảo vệ tại khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM, Ngô Triệu Nhân - sinh viên năm 4 ngành Xây dựng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) đã lên ý tưởng thiết kế mô hình “chốt bảo vệ” và xuất sắc giành giải Nhất tại cuộc thi INSEE Prize 2019. 

Ngô Triệu Nhân nhận giải thưởng
Ngô Triệu Nhân nhận giải thưởng

Nhân cho biết, nếu đúng như kế hoạch, trong năm nay khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM sẽ có một số chốt đưa vào vận hành.

Biến ý tưởng thành mô hình hữu ích

Sinh năm 1997, chàng sinh viên đến từ An Giang cho biết, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bản thân đã rất đam mê ngành kiến trúc với mong muốn thiết kế những công trình hữu ích cho xã hội.

Và đó cũng là động lực thúc đẩy Nhân trở thành sinh viên lớp Kiến trúc, ngành Xây dựng của Trường ĐH Bách khoa TPHCM.

Trong quá trình học tập tại trường, Triệu Nhân từng đạt giải nhì cuộc thi thiết kế biểu tượng cho khoa Xây dựng, Trường ĐH Bách khoa.

Chốt bảo vệ là ý tưởng được Nhân ấp ủ, đầu tư rất nhiều tâm huyết để tham dự cuộc thi INSEE Prize (giải thưởng cho sinh viên sáng tạo các ý tưởng về xây dựng bền vững do Tập đoàn INSEE tài trợ).

Nói về sự ra đời của chốt bảo vệ, Triệu Nhân cho hay, “sinh hoạt, học tập tại đây nên hằng ngày đi ngang qua các chốt bảo vệ hiện hữu ở khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM, em thấy được sự bất cập, thiếu tính thẩm mỹ, chưa đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu cho nhân viên bảo vệ như khi gặp nắng nóng buổi trưa, chưa có nhà vệ sinh, không có chỗ nghỉ cho ca trực đêm… làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ công tác.

Vì vậy em nghĩ đến một chốt bảo vệ hữu ích có thể giải quyết tình trạng trên cũng như hướng đến sự thân thiện với môi trường. Ngoài ra, với em, đây là cách để thể hiện sự quan tâm, biết ơn những người đã ngày đêm ra sức bảo vệ an toàn cho sinh viên và người dân nơi đây”.

Theo đó, Nhân mất khoảng 1 tháng để hoàn thành dự án với sự hướng dẫn của TS - kiến trúc sư Lê Thị Hồng Na. “Trong quá trình thực hiện, em cũng gặp những khó khăn nhất định, như dự án này có mỗi mình em, mọi thứ em đều phải tự chuẩn bị, sắp xếp, từ mô hình đến bài thuyết trình.

Ngoài ra, do bỏ thời gian nhiều cho dự án nên thời gian học trên lớp có phần bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn của cô Lê Thị Hồng Na và sự động viên của gia đình, em quyết tâm vượt qua để có được kết quả này”.

Nhân cho rằng, qua đó bản thân đã có thêm những bài học kinh nghiệm đáng giá về kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm mô hình và kỹ năng thuyết trình…

Về dự án chốt bảo vệ, chàng sinh viên Bách khoa khái quát, chốt sử dụng các giải pháp kiến trúc về năng lượng: sử dụng nước mưa để tiết kiệm nước sinh hoạt, sử dụng pin năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện; nước mưa được dự trữ ở bể trên mái nên sẽ là giải pháp giảm nhiệt cho không gian sử dụng bên trong.

Ngoài ra còn bổ sung thêm nhà vệ sinh cho chốt, tăng tính tiện nghi hay bàn làm việc trong chốt có thể linh hoạt gấp lại. Xung quanh chốt sẽ được trồng các loại cây…

Đây là mô hình tiện ích để giúp các nhân viên bảo vệ hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo an ninh cộng động ngày càng thắt chặt.

Sinh viên thiết kế “chốt bảo vệ” tiện ích ảnh 1

Mô hình Chốt bảo vệ khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM do sinh viên Ngô Triệu Nhân thiết kế.

Chốt bảo vệ sớm đi vào thực tế

Xuất sắc giành giải Nhất tại cuộc thi INSEE Prize 2019, Nhân cho biết cảm thấy rất vui, vinh dự, cũng như rất biết ơn giáo viên hướng dẫn Lê Thị Hồng Na và gia đình đã luôn ủng hộ, đồng hành với mình.

Với giải thưởng, Nhân nhận được 230 triệu đồng, trong đó 200 triệu dùng để thực hiện dự án ra thực tế. “Thời gian tới, em sẽ thực tập ở tập đoàn INSEE 6 tháng.

Trong 6 tháng đó sẽ khai triển bản vẽ ra thực tế để có thể thi công. Nếu đúng như kế hoạch đặt ra thì trong năm nay khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM sẽ có một số chốt bảo vệ đưa vào vận hành”, Nhân chia sẻ.

Từ mô hình này, Nhân cũng mong muốn mỗi sinh viên hãy cùng chung tay bảo vệ an ninh trật tự cộng đồng khu vực đô thị ĐH Quốc gia TPHCM, cũng như hãy mạnh dạn biến những ý tưởng của mình thành hành động bảo vệ môi trường sống, xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng đô thị thông minh.

Theo đánh giá của ban tổ chức, mô hình của sinh viên Triệu Nhân mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đáp ứng được hiệu quả kinh tế khi lựa chọn sử dụng các vật liệu bền vững sử dụng lâu dài, ít phải sửa chữa; chi phí đầu tư và vận hành thấp do sử dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Nói về những dự định tương lai, Nhân cho biết, ngoài dự án chốt bảo vệ vừa hoàn thành, Nhân sẽ tập trung việc học ở trường, đặc biệt đang tìm hiểu khám phá về mảng nội thất công trình để có thể lựa chọn hướng đi tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ