Mở cơ hội học và làm nghề công nghệ thông tin trước biến động thị trường

GD&TĐ - Nhiều ngành nghề và các doanh nghiệp ở Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số để thích ứng với thay đổi. Song, sự thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT đang là thách thức lớn để hiện thực hóa quá trình chuyển đổi số.

Giao lưu của các diễn giả với người quan tâm
Giao lưu của các diễn giả với người quan tâm

Mới đây tại Hà Nội, một dự án hợp tác đào tạo tuyển dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho người mới bắt đầu đã được Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech phối hợp với website tuyển dụng TopCV phối hợp với một số doanh nghiệp công nghệ ra mắt.  

Theo ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Aptech: Trước nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT ngày càng cao và nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đồi ngành nghề đang ngày càng lớn trong nền kinh tế, nên chúng tôi chủ trương thúc đẩy hợp tác để cùng đưa ra chương trình thu hút người lao động trong lĩnh vực khác chuyển sang ngành CNTT.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng năm nay cũng ghi nhận có những biến chuyển trong việc đăng ký ngành nghề. Nhiều sinh viên, người đã làm việc ở các ngành nghề khác định hướng chuyển nghề sang lĩnh vực CNTT để nắm bắt những cơ hội rộng mở của ngành này. Bên cạnh đó có cả những giám đốc, nhân sự cấp cao của các doanh nghiệp.

Hợp tác vì sự phát triển chung
Hợp tác vì sự phát triển chung

Cũng theo Aptech, năm 2020 đang chứng kiến làn sóng dịch chuyển nghề nghiệp sang ngành CNTT mạnh mẽ. Đây là ngành nghề nóng nhất mùa tuyển sinh vừa qua với số lượng thí sinh đông đảo và điểm chuẩn dẫn đầu trong các khối ngành kỹ thuật (điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội năm học 2020-2021 là 29,4).

Dự án hợp tác của Aptech và một số doanh nghiệp liên quan đến CNTT không nhằm mục đích nào khác là mở ra hướng đào tạo cho những người muốn làm ngành CNTT nhưng thi đại học không đủ điểm; nhiều sinh viên, người đi làm ở các lĩnh vực khác muốn chuyển sang ngành CNTT nhưng không biết bắt đầu từ đâu; điều kiện kinh tế và thời gian không cho phép và băn khoăn về vấn đề đầu ra, cơ hội việc làm khi chuyển ngành.

Theo Ban tổ chức, sẽ có các khoá học chuyển nghề với thời gian ngắn hạn. Với những người làm ngành khác muốn chuyển nghề, dự án có khóa học kéo dài một tháng được hỗ trợ chi phí để người lao động làm quen và được đánh giá có phù hợp chuyển nghề không. Sau đó, người lao động có thể tham gia các khóa học một năm với việc hỗ trợ học phí, học bổng từ các doanh nghiệp tuyển dụng. Sau một năm học, người lao động đi làm thì có thể học thêm các khóa học khác.

Với mục đích đáp ứng cao nhất nhu cầu học tập của người học, đồng thời cũng tôn trọng khả năng và khuyến nghị lựa chọn phù hợp nên quan điểm của những người tổ chức là học viên khi tham gia dự án nói trên, sẽ được hỗ trợ đánh giá xem có phù hợp theo học ngành CNTT hay không. Còn sau khi học xong chương trình, sẽ được hỗ trợ tìm việc sau khi học. Điều quan trọng được mọi người quan tâm là việc học được nghề thời gian khóa học được rút ngắn hơn nhiều so với các chương trình đào tạo đại học.

Trong năm 2020, toàn cầu đang chứng kiến những ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 tới mọi mặt của nền kinh tế, và ngành CNTT là một trong những ngành hiếm hoi có sự phát triển trong bối cảnh khó khăn chung. Tại hội nghị và triển lãm thế giới số của Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) do Việt Nam đăng cai tổ chức vào tháng 10 vừa qua, lãnh đạo ngành thông tin truyền thông của 50 quốc gia cùng nhận định chuyển đổi số là chìa khóa giúp thế giới vượt qua đại dịch. Trong xu hướng toàn cầu, chuyển đổi số được coi là bắt buộc cho mọi ngành nghề và nền kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ