Kỹ sư Việt tại Mỹ sáng chế khẩu trang sinh học tự phân hủy là ai?

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Đức Thành và nhóm nghiên cứu Nguyen Lab của anh tại ĐH Connecticut (Mỹ) đã sáng chế thành công loại khẩu trang sinh học đặc biệt.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành. Ảnh: Quỳnh Anh
PGS.TS Nguyễn Đức Thành. Ảnh: Quỳnh Anh

PGS.TS Nguyễn Đức Thành - một trong những kỹ sư trẻ xuất sắc nhất thế giới vừa sáng chế thành công loại khẩu trang đột phá, hiệu quả gần như khẩu trang N95 nhưng có thể tự phân hủy và dùng nhiều lần.

Đáng chú ý, khẩu trang có hiệu quả lọc bụi gần như tương đương loại khẩu trang cao cấp KN95 hay N95 nhưng lại có nhiều tính năng đột phá hơn.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành (sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng) đang nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa Cơ khí và Khoa Kỹ thuật y sinh, trường Đại học Connecticut (Mỹ). Anh tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2007. Năm 2008, anh nhận được học bổng tiến sĩ của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) của Mỹ tại Đại học Princeton.

Năm 2013, Đức Thành tiếp tục nhận học bổng sau tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Anh là chủ nhân của nhiều giải thưởng danh giá trong đó có top những nhà phát minh dưới 35 tuổi do viện nghiên cứu MIT (Mỹ) bầu chọn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (2019).

Những nghiên cứu của Thành thường tập trung về công nghệ chuyển đổi vật liệu y khoa thành vật liệu “thông minh” và mang cấu trúc đặc biệt ở kích thước vi mô (nano và micro) cho những ứng dụng khác nhau trong y học và sinh học.

Với thành tựu này, anh đã được nhận nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có Giải thưởng dành cho nhà sáng chế trẻ tiên phong của Viện Y học quốc gia Mỹ (NIH Trailblazer Award for Young and Early Investigator 2017).

Giải thưởng dành cho 1 trong 18 kỹ sư chế tạo trẻ xuất sắc nhất trên thế giới do Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ (SME) trao tặng năm 2018 (2018 SME Outstanding Young Manufacturing Engineer Award).

Nói về những công trình của mình, Thành cho biết bản thân tâm đắc nhất với nghiên cứu về vắc xin và thiết bị đo nội áp có khả năng tự tiêu bên trong cơ thể con người. Anh kể, vào thời điểm bắt đầu nghiên cứu sau tiến sỹ, ở châu Phi và các nước đang phát triển đang có sự xuất hiện trở lại của những đại dịch như Ebola, Polio, Inflenza... May mắn là tổ chức từ thiện của Bill Gates đã tài trợ cho nghiên cứu của anh để tạo ra một vắc xin, chỉ cần một lần tiêm ngay khi trẻ ra đời.

Với nền tảng kiến thức vi điện tử, Thành đã nghĩ đến một phương án mới, ứng dụng công nghệ sản xuất chip máy tính để chế tạo những hạt vắc xin nhỏ, bằng vật liệu chỉ y khoa tự tiêu.

Theo đó, chỉ cần một lần tiêm duy nhất, những hạt vắc xin này sẽ tự động nhả vắc xin ở những thời điểm khác nhau theo mong muốn và kích thích được sự miễn dịch trên cơ thể.

Công trình này được đăng trên Tạp chí Science đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài Mỹ, giới công nghiệp cũng như nhiều hãng tin lớn như The Guardian, The Independence, Foxnews… đưa tin về sản phẩm nghiên cứu.

Công trình thứ hai mà Thành tâm huyết chính là chuyển đổi vật liệu dùng trong y học thành những vật liệu “thông minh” sử dụng cho những ứng dụng khác nhau trong y học. Đó là khoảng thời gian khi mới công tác tại Đại học Connecticut, anh nảy ra ý tưởng sử dụng những vật liệu dùng cho chỉ tự tiêu xử lý để trở thành những vật liệu “thông minh” để chế tạo ra những cảm biến điện tử, có khả năng tự tiêu.

Theo anh, những thiết bị này có thể cấy ghép vào cơ thể để đo những áp suất trong cơ thể bệnh nhân bị chấn thương sọ não, nhãn áp của bệnh nhân đục thủy tinh thể…, truyền tín hiệu ra bên ngoài thông qua công nghệ không dây và đặc biệt là có khả năng tự tiêu hủy.

Ý tưởng này được hiện thực hóa bởi những học viên xuất sắc trong nhóm nghiên cứu của anh ở Đại học Connecticut. Thời gian sau đó, nhóm đã công bố kết quả nghiên cứu trên PNAS - một tạp chí đa ngành nổi tiếng của Mỹ và nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, công nghệ trên thế giới, cũng như đông đảo giới truyền thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ