Khởi nghiệp trong trường đại học: Ngày càng nhiều dự án mang tính thực tiễn cao

GD&TĐ - Phong trào Startup – khởi nghiệp đã và đang lan tỏa sâu rộng trong các trường đại học. Từ nhiều ý tưởng hết sức giản đơn từ xanh đến thông minh đều mang giá trị thực tiễn cao. Các bạn đã cho thấy sức trẻ, trí tuệ, khát vọng và ý chí lập thân lập nghiệp.

Sinh thần Starup đang lan toả mạnh mẽ trong học sinh, sinh viên.
Sinh thần Starup đang lan toả mạnh mẽ trong học sinh, sinh viên.

Startup: Ý chí và nghị lực

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp và các nhà giáo dục, Starup - phong trào khởi nghiệp sinh viên đã thúc đẩy tinh thần học tập và nghiên cứu mạnh mẽ trong tuổi trẻ các trường đại học. Nhiều ý tưởng đã thể hiện vào công trình và có giá trị thực tiễn cao.

Điển hình là công trình được giải của nhóm tác giả Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với Dự án “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế, giáo dục"  giành giải nhất cuộc thi SV Startup 2019 đầy thuyết phục.

Theo đó, Dự án hướng tới làm chủ công nghệ 3D để thiết kế, gia công vật liệu y sinh, chế tạo ra các mảnh xương, bộ phận thay thế phục vụ trong y tế có chất lượng và đặc tính ưu việt để điều trị bệnh nhân tốt hơn, đồng thời cung cấp dịch vụ thiết kế và in 3D giáo cụ trực quan phục vụ giáo dục STEM.   

Cũng tại cuộc thi này, Ban tổ chức đã trao hai giải nhì cho dự án "Sản phẩm cao cấp hoa thanh long" của trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh và "Dự án hệ sinh thái Open Lab" của trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM.

Ba giải ba thuộc về các dự án "UPBEAT - Ứng dụng di động thử thách vận động và fitness Việt Nam" (Đại học Ngoại thương, Hà Nội), dự án "Bộ xét nghiệm nhanh Formol trong thực phẩm" (Đại học Thủ Dầu Một, TP HCM) và "Save Blood - Nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin" (Đại học Huế).

Ở khối THPT, dự án "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nano Resveratrol" của nhóm học sinh đến từ Trường THCS&THPT Quốc tế Thăng Long, Trường THPT Phan Đình Phùng và THPT Việt Đức Hà Nội đã giành ngôi vị quán quân. 

Tại Techmart-Techfest Mekong 2019, các đề tài cũng đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vùng Đồng bằng song Cửu Long. Trong đó, nhiều dự án của các Starup đã hướng đến giải quyết những vấn đề của địa phương như nuôi trồng hải sản, phát triển nông nghiệp xanh, năng lượng xanh, ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4...

Nói như ông Nguyễn Văn Vũ An – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ việc làm sinh viên Trường Đại học Trà Vinh: Chúng tôi muốn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong các bạn trẻ để thổi bùng lên ngọn lửa khát khao cống hiến với trí tuệ và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Sức lan tỏa mạnh mẽ

Nhìn từ Starup sinh viên đến phong trào khởi nghiệp quốc gia cho thấy sự kết nối và truyền lửa nhiệt huyết, cống hiến, sáng tạo.

Nếu Starup quốc gia là giao lưu, hợp tác, chuyển giao công nghệ, quảng bá sản phẩm, mở rộng phát triển thị trường và thúc đẩy kết nối các starup với thành phần của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thì Starup sinh viên là sự khẳng định mạnh mẽ trí tuệ, hoài bão cống hiến của tuổi trẻ, một lực lượng sung sức, dám nghĩ, dám làm có tinh thần khởi nghiệp cao, đầy ham mê và nhiệt huyết...

Có thể các đề tài Starup không to tát mang tầm cỡ quốc gia nhưng lại là những ý tưởng hết sức mới lạ, thông minh. Đặc biệt hơn nữa là các bạn đã biết làm việc nhóm, kết hợp với giảng viên của các trường đại học cùng doanh nghiệp tạo nên những giá trị có tính thực tiễn cao.

PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, tâm sự: Chúng tôi luôn ủng hộ và hỗ trợ tinh thần Starup trong sinh viên. Từ những ý tưởng đơn giản nhất nhưng các bạn đã sáng tạo và thực tế hoá bằng giá trị sản phẩm.

Việc hỗ trợ cho các start-up không chỉ là trách nhiệm của các nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu với thực tiễn mà còn là động thái đón đầu xu thế của các trường đại học.

Ở Trường Đại học Trà Vinh, tinh thần Starup đã và đang phát triển mạnh mẽ. Điển hình trong đó là Dự án "Hệ thống điều khiển và giám sát tự động quạt nước hồ tôm" của sinh viên Trần Phước Đạt, được đánh giá rất cao về giá trị thực tiễn hỗ trợ đắc lực người nuôi tôm.

Còn ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một đề tài rất thực tiễn của bạn Nguyễn Đức Vinh khi phát triển một ứng dụng công nghệ giúp khách du lịch dễ dàng tìm nhà vệ sinh công cộng...

Giá trị thực tiễn có, tính sáng tạo có và đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ nhưng để nuôi dưỡng tinh thần Starup sinh viên hiện nay vẫn chủ yếu dựa trên nguồn kinh phí hỗ trợ từ nhà trường và một phần xã hội hóa và thường thì hết sức khiêm tốn.

Xem ra, cần có cách nào đó để nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của sinh viên trong các nhà trường dài hơi và nặng chất hơn chắc chắn sẽ có nhiều dự án mang tinh hiện thực hứa hẹn sẽ mang lại nguồn lợi lớn trong tương lai cho cả start-up, nhà đầu tư và rộng hơn là hoà vào dòng chảy chung của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Trong kỷ nguyên 4.0, tinh thần Start-up sinh viên với hướng đi phát triển vững bền từ đại học xanh hướng đến thông minh là đích đến của Trường Đại học Trà Vinh và chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp hãy cũng chung tay với nhà trường cùng ươm mầm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Trong đó có các hình thức hỗ trợ, khuyến khích, đồng hành cùng các bạn sinh viên - PGS.TS Phạm Tiết Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ