Hàng trăm nhà khoa học thế giới đến Việt Nam thảo luận về bệnh Whitmore

GD&TĐ - Sáng nay (16/10, tại Hà Nội đã khai mạc Hội nghị quốc tế về bệnh Whitmore lần thứ 9. 

Các nhà khoa học thảo luận tại Hội nghị quốc tế về bệnh Whitmore lần thứ 9.
Các nhà khoa học thảo luận tại Hội nghị quốc tế về bệnh Whitmore lần thứ 9.

Hội nghị được tổ chức với sự phối hợp của Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, ĐHQG Hà Nội, Viện Vệ sinh, Vi sinh và Môi trường Y học, Đại học Y khoa Graz, Áo.

Tham dự có hơn 300 nhà khoa học, bác sĩ, dược sĩ đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu  Y – Dược trong và ngoài nước.

Hội nghị quốc tế về bệnh Whitmore lần thứ 9 cũng ghi nhận lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức. Đây là dịp để các nhà khoa học Việt Nam và thế giới bàn thảo thuật ngữ “Vietnamese time bomb” có nghĩa là “Quả bom hẹn giờ tại Việt Nam”.

Thuật ngữ nhằm ám chỉ về một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến tính mạng mà binh lính Mỹ đã bị nhiễm trong chiến tranh Việt Nam. Sau một thời gian dài ủ bệnh, mãi nhiều năm sau mới phát bệnh Whitmore (hay có tên quốc tế là melioidosis).

Theo TS Trịnh Thành Trung - Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, ĐHQG Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức: Đến Việt Nam, đội ngũ nhà khoa học quốc tế nắm tình hình nghiên cứu bệnh Whitmore, thực tiễn về sự hiểu biết của người dân về căn bệnh này, hiện trạng xét nghiệm cũng như số các ca tử vong do bệnh.

Theo dự đoán, mỗi năm Việt Nam có 10.000 ca nhiễm bệnh và 5.000 ca tử vong vì bệnh Whitmore.

Bệnh Whitmore là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây tử vong, không lây truyền từ người sang người. Trực khuẩn gây bệnh Whitmore là một loại vi khuẩn Gram âm, có thể tồn tại trong bùn, đất và lây nhiễm bệnh thông qua các vết xước, vết thương ngoài da do sơ ý hoặc tai nạn.

Vi khuẩn này gây ra các ca bệnh tản phát với những bệnh cảnh lâm sàng đa dạng và biến chứng vô cùng nặng nề.

Các con đường lây bệnh Whitmore là: Nhiễm khuẩn khi tiếp xúc với bùn đất; qua đường hô hấp do hít phải bụi có vi khuẩn hoặc qua đường ăn uống nước nhiễm khuẩn.

Mùa dịch bệnh whitmore thường diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Tỷ lệ tử vong sẽ giảm đáng kể nếu bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kháng sinh theo đúng phác đồ hướng dẫn.

Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bác sĩ thường chẩn đoán nhầm bệnh Whitmore với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu.

Điều nguy hiểm là bệnh whitmore dễ tái phát, sức khỏe của bệnh nhân rất dễ suy kiệt. Đến nay bệnh Whitmore vẫn chưa có văcxin phòng bệnh, do đó, phòng bệnh Whitmore là điều quan trọng hơn cả.

Người dân, đặc biệt những người có bệnh nền như tiểu đường hoặc bệnh lý gan thận cần chủ động phòng bệnh Whitmore như hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước, sử dụng bảo hộ lao động khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ruộng.

Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước ruộng. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì phải biết cách bảo vệ vết thương.

Hội nghị diễn ra trong 3 ngày từ 16 -18/10. Các nhà khoa học sẽ cùng nhau trao đổi các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán, phác đồ điều trị.

Đặc biệt có ý nghĩa hơn nữa khi ở Việt Nam nguy cơ lây bệnh này đối với người dân là rất cao. Các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến khu vực và tuyến tỉnh, ghi nhận với hàng nghìn ca bệnh Whitmore đã được phát hiện trong thời gian qua.

Con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, thực tế số ca nhiễm bệnh ở Việt Nam còn nhiều hơn thế. Vẫn còn rất nhiều bệnh nhân bị nhiễm bệnh không được xét nghiệm chẩn đoán bệnh theo nhiều lý do chủ quan và khách quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.