Khích lệ tinh thần khởi nghiệp trong các nhà trường

GD&TĐ - Chương trình Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (HSSV) năm 2019 do Bộ GD&ĐT tổ chức sẽ diễn ra trong 2 ngày 4 - 5/10/2019 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) về ý nghĩa của sự kiện này.

Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV do Bộ GD&ĐT tổ chức là hoạt động thiết thực thu hút các bạn trẻ tham gia và thể hiện năng lực. 	Ảnh: INT
Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV do Bộ GD&ĐT tổ chức là hoạt động thiết thực thu hút các bạn trẻ tham gia và thể hiện năng lực. Ảnh: INT

* Ông có thể cho biết ý nghĩa Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV?

- Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ kí quyết định số 1665 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho HSSV trong thời gian học tập tại các nhà trường. Đề án cũng đặt mục tiêu tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp.

Nhằm cụ thể hóa Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV từ năm 2018 với mục tiêu tạo cơ hội để các cơ sở đào tạo, chuyên gia, HSSV trao đổi kinh nghiệm và trưng bày những sản phẩm, dự án khởi nghiệp đồng thời khích lệ tinh thần khởi nghiệp trong các nhà trường.

*Năm nay là năm thứ 2, Bộ GD&ĐT tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV. Ngày hội khởi nghiệp năm 2019 có điểm gì mới?

Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV

- Tiếp nối thành công trong năm 2018, Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2019 sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, tạo một sân chơi lành mạnh, bổ ích, thiết thực, hiệu quả đối với HSSV cả nước.

Ngày hội có một số những điểm mới so với chương trình tổ chức lần đầu vào năm 2018 như: Gia tăng số lượng dự án, số trường đại học và số lượng các Sở GD&ĐT tham gia trưng bày triển lãm tại ngày hội; Tăng sự thu hút của cộng đồng HSSV toàn quốc thông qua cuộc thi và có thêm nhiều doanh nghiệp, quỹ đầu tư quan tâm tham gia hỗ trợ các dự án.

Trong khuôn khổ ngày hội là cuộc thi chung kết và lễ trao giải Cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp năm 2019. Đây cũng là điểm nhấn của chương trình. Vòng Đối đầu sẽ diễn ra vào chiều 4/10; Vòng Phản biện diễn ra vào sáng 5/10 với hình thức thi thuyết trình và bảo vệ trực tiếp trước hội đồng giám khảo. Năm nay, cuộc thi có điểm mới là tất cả các dự án sẽ được trưng bày sản phẩm và được chấm thi gian hàng.

Không gian Sinh viên khởi nghiệp tại Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM. Ảnh: Internet
Không gian Sinh viên khởi nghiệp tại Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM.                   Ảnh: Internet

* Ông có thể cho biết về các dự án tham gia chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2019”?

- Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” được phát động từ tháng 5/2019. Đến nay Ban tổ chức nhận được gần 300 bài dự thi. Số lượng bài thi gửi về khá chất lượng, đa dạng về ý tưởng và có tính thực tiễn cao. Qua quá trình chấm thi nghiêm túc và trách nhiệm, Ban tổ chức đã chọn 68 dự án xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết.

Cụ thể, với khối đại học, CĐSP, TCSP, có 50 dự án, ý tưởng khởi nghiệp đến từ 39 trường sẽ tham gia đua tài tại vòng chung kết. Có thể kể đến một số dự án như: Space Now - Ứng dụng kết nối mọi không gian (Học viện Tài chính); Smart Edu (Trường Đại học Công nghệ TPHCM); Ứng dụng học tập và nghiên cứu Memo (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông); Phòng học online theo yêu cầu (Trường Đại học Mỏ - Địa chất)...

Với khối các trường THPT, có 18 ý tưởng, dự án của học sinh được lựa chọn vào vòng chung kết. Có thể kể đến một số dự án: Máy thu hoạch và chăm sóc cây chè (Tuyên Quang); Bàn học cải tiến (Lai Châu), Mô hình máy bay không người lái (Điện Biên); Robot thí nghiệm hóa học (Ninh Bình); Máy ấp trứng cua đinh thông minh (Hậu Giang)...

Đáng chú ý, lần đầu tiên có 1 dự án của HS trường THCS lọt vào vòng chung kết, đó là dự án “Máy làm sạch lọc đáy ao nuôi tôm” của HS Trường THCS Tân An (huyện Quảng Yên, Quảng Ninh).

Trong số các dự án xuất sắc trên, có nhiều dự án đã được các bạn HSSV triển khai và bước đầu đạt hiệu quả, nhiều dự án chuyển sang giai đoạn có lãi và các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng.

*Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chương trình Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (HSSV) năm 2019 do Bộ GD&ĐT tổ chức sẽ diễn ra trong 2 ngày 4 - 5/10/2019 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT)  về ý nghĩa của sự kiện này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.